Thị trường Tết: Không lo thiếu hàng, sốt giá

ANTĐ - Dự báo sức mua trong dịp lễ, Tết sắp tới sẽ tăng khoảng 15-18% so với các tháng khác trong năm, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, với 7 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, người dân Thủ đô có thể yên tâm, không lo thiếu. 

Thị trường Tết: Không lo thiếu hàng, sốt giá ảnh 1Người dân không lo thiếu hàng sốt giá dịp Tết

Chủ động nguồn hàng

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Hà Nội đã chuẩn bị số hàng hóa dự trữ lên tới 16.000 tỷ đồng. “Chúng tôi đã triển khai đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, doanh nghiệp bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát; chợ; doanh nghiệp kinh doanh thương mại… và đặc biệt là 14 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá chuẩn bị 7 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân. Hàng hóa đã chuẩn bị đầy đủ theo quy định và đảm bảo không có tăng giá đột biến từ nay đến Tết Nguyên đán” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân mua sắm Tết thuận lợi, Hà Nội sẽ tổ chức trên 100 chuyến hàng lưu động, đưa về 8 huyện ngoại thành; lập 7 trung tâm bán hàng lưu động tại 7 quận, huyện để tránh tình trạng “khan hàng, sốt giá ảo”.

Không chỉ quan tâm đến số lượng hàng hóa phục vụ Tết, thành phố Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng từng nhóm hàng, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm soát để không có hàng giả, hàng nhái, hạn chế tối đa người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng” - bà Trần Thị Phương Lan cam kết.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc BigC, dịp Tết sắp tới, hệ thống siêu thị này đã dự trữ lượng hàng tăng thêm khoảng 15% so với các tháng khác trong năm. Giá hàng Tết đến thời điểm này vẫn ổn định, thậm chí một số mặt hàng còn có giá bán thấp hơn do siêu thị triển khai chương trình khuyến mãi từ 5-50%. 

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp chuẩn bị hàng Tết khá dè dặt. “Có đơn vị mua đến đâu bán hết đến đó, giao lưu đổi hàng để tránh tồn kho. Vì vậy, giá cả không có biến động lớn” - ông Vũ Vinh Phú dự báo.

Rộn ràng khuyến mãi

Ở thời điểm hiện tại, các chương trình khuyến mãi đang được nhiều doanh nghiệp tổ chức rầm rộ. Đại diện truyền thông siêu thị BigC cho biết, từ tháng 12-2014 đến hết tháng 2-2015, BigC sẽ khuyến mãi theo nhiều chủ đề với khoảng 4.000 sản phẩm phục vụ dịp lễ, Tết. Đáng chú ý, để khách hàng yên tâm mua sắm dịp Tết, tránh tình trạng giá cả tăng đột biến. “BigC đã làm việc với các nhà cung cấp, không chấp nhận bất kỳ hình thức tăng giá nào cho đến tháng 3-2015”- đại diện siêu thị BigC nói.

Không nằm ngoài “chiến dịch” thu hút khách hàng, các siêu thị lớn như: Co.opmart, Fivimart, Intimex… cũng đang có những ưu đãi riêng dành cho mọi đối tượng khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng thân thiết. Chương trình khuyến mãi của các siêu thị thường kéo dài đến tháng 2-2015. Người tiêu dùng có cơ hội mua sắm tiết kiệm vào dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. 

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nhiều nhà phân phối đã trực tiếp tổ chức đưa hàng tới giới thiệu và bán tại các chợ truyền thống. Khách hàng vừa được nếm thử sản phẩm, vừa được mua ngay với giá ưu đãi hoặc tặng kèm quà. Hình thức này được áp dụng phổ biến với các mặt hàng như: bột giặt, cà phê, sữa, sữa chua… Đây đều là sản phẩm của các hãng sản xuất có uy tín, đã được người tiêu dùng biết đến.

Khảo sát thị trường cho thấy, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại các chợ vẫn giữ mức ổn định như khoảng 2 tháng gần đây. Giá các mặt hàng tươi sống như cá, thịt lợn, thịt bò… không tăng. Rau xanh, hoa quả cũng ổn định giá mặc dù thời tiết không thuận lợi, rét kéo dài. Vào các ngày cuối tuần, khách đến siêu thị và đến chợ tham khảo, mua sắm chuẩn bị Tết đã tăng lên khoảng 20%. Thậm chí, một số khách hàng đã đặt hàng khô (măng, miến, bánh kẹo đặc sản) từ bây giờ để sẵn sàng đón Tết.