Thị trường sữa nước chưa minh bạch

ANTĐ - Trong khi lượng sữa tươi trong nước mới chỉ đáp ứng 28% nhu cầu tiêu dùng nội địa, thì nông dân ở Lâm Đồng, sau đó đến Phù Đổng (Gia Lâm) lại dư thừa sữa tươi phải đổ đi. Nghịch lý này từ đâu mà có, làm thế nào để không còn tình trạng đau lòng này, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ.

Thị trường sữa nước chưa minh bạch ảnh 1Liệu tình trạng người dân phải đổ sữa tươi đi có tái diễn?

- PV: Cục Chăn nuôi đã có văn bản chỉ đạo các Sở NN&PTNT hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa, ngoài động thái này, với chức năng là cơ quan đầu não, Cục sẽ vào cuộc như thế nào?

- Ông Tống Xuân Chinh: Ngoài ý kiến chỉ đạo các Sở NN&PTNT, chúng tôi sẽ có công văn chính thức gửi cho các địa phương yêu cầu giám sát sự việc này và báo cáo kịp thời để có hướng xử lý. Bởi về mặt chức năng quản lý Nhà nước, chúng tôi chỉ có thể đưa ra các khuyến cáo về những vấn đề kỹ thuật, còn việc mua, bán như thế nào là do hợp đồng giữa các đơn vị thu mua, cụ thể ở đây là Công ty CP Sữa Đà Lạt (Dalat Milk), Công ty CP sữa quốc tế (IDP) với nông dân, chúng tôi không thể can thiệp được. 

- Trong khi sữa tươi mới đáp ứng được 28% nhu cầu nội địa, nhưng nông dân đã bao phen phải đổ bỏ sữa tươi, vì đâu có nghịch lý này, thưa ông?

- Hiện ở miền Bắc đang là mùa đông, nhu cầu uống sữa nước, sữa tươi ít đi. Trong khi đó các sản phẩm chế biến từ sữa tươi của nước ta hiện nay hầu hết chỉ là sữa chua và sữa tươi, chưa có nhiều doanh nghiệp chế biến được từ sữa tươi thành sữa bột. Mặt khác, mùa đông năng suất bò sữa tăng lên rất cao, trung bình mỗi ngày cho sữa từ 28-30 lít/con, thậm chí có con đạt 40 lít/ngày, trong khi một số công ty thu mua sữa lại đưa ra định mức quá thấp.

Bên cạnh đó, nông dân ở một số nơi đã tự ý phá vỡ quy hoạch, tự tăng số lượng bò sữa trong khi chưa có hợp đồng chắc chắn với đơn vị thu mua. Một nguyên nhân khác là do giá dầu của thế giới giảm dẫn đến giá sữa trên thế giới tụt 60-70%, nên một số doanh nghiệp trong nước đã nhập sữa bột về để chế biến thành sữa nước hoàn nguyên, cũng gây nên tình trạng dư cung.

- Nếu tình trạng sữa tươi đổ đi tái diễn, Cục Chăn nuôi sẽ làm gì?

- Chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị thu mua phải có cam kết rõ ràng để chính quyền đứng ra liên kết chặt chẽ hơn với người chăn nuôi. Còn về phía bà con nông dân, cần tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng, không nên lúc giá có lợi cho mình thì bán sữa ra ngoài cho thương lái, còn khi lượng sữa nhiều, thương lái không thu gom nữa thì lại “đổ” hết trách nhiệm cho công ty thu mua.

- Với sản lượng như hiện tại, nông dân đã phải đổ bỏ sữa tươi, nhưng quy hoạch của ngành nông nghiệp vẫn tăng đàn bò sữa. Vậy có hợp lý?

- Chăn nuôi bò sữa không phải là nghề truyền thống, cũng không phải nghề để xóa đói giảm nghèo, mà có thể làm giàu từ bò sữa. Hiện sản lượng sữa từ sản xuất trong nước mới đáp ứng được 28%  nhu cầu nội địa nên còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, để ngành sữa phát triển, chúng ta cần phải quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng dành một diện tích để chăn nuôi bò và vùng nguyên liệu. Đặc biệt, về phía quản lý thị trường, phải làm rõ và minh bạch giữa sữa tươi và sữa nước hoàn nguyên, để người tiêu dùng khi bỏ tiền ra phải được uống sữa tươi thực sự, chứ không phải sữa tươi nhưng lại chiếm đến 40-50% sữa hoàn nguyên.