Thị trường đồ gỗ cuối năm: Cầm cự được là may

(ANTĐ) - Dạo quanh các trung tâm mua sắm, các cửa hàng trưng bày sản phẩm đồ gỗ nội thất, có thể thấy lượng khách thăm quan và mua hàng vẫn rất thưa thớt, mặc dù đã vào thời điểm cuối năm, tức là mùa mua sắm đồ nội thất.

Thị trường đồ gỗ cuối năm: Cầm cự được là may

(ANTĐ) - Dạo quanh các trung tâm mua sắm, các cửa hàng trưng bày sản phẩm đồ gỗ nội thất, có thể thấy lượng khách thăm quan và mua hàng vẫn rất thưa thớt, mặc dù đã vào thời điểm cuối năm, tức là mùa mua sắm đồ nội thất.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ nội thất Mỹ á cho biết: Vào giờ này mọi năm khách hàng đã nhộn nhịp mua sắm nhưng năm nay, thị trường vẫn “lạnh tanh”. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, vì thế cầm cự được là may!

Đến thời điểm này, mặc dù hầu hết các sản phẩm giá thành đều giảm từ 10-15% so với đầu năm, cá biệt có nhiều sản phẩm giảm tới phân nửa nhưng doanh số đạt được của các doanh nghiệp chỉ khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu cũng đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính với số lượng lớn (70%) đồ chạm khảm Việt Nam thì nay hầu như không có đơn hàng nào đáng kể.

Gỗ Đồng Kỵ giả cổ cách đây vài năm bán chạy trên thị trường
Gỗ Đồng Kỵ giả cổ cách đây vài năm bán chạy trên thị trường

Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, tính đến hết tháng 10-2008, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chỉ đạt 2,3 tỷ USD, dự kiến 2 tháng cuối năm cao nhất cũng chỉ đạt 500 triệu USD, bằng 90% so với chỉ tiêu kế hoạch năm là 3 tỷ USD.

Đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tình trạng còn thê thảm hơn. Chủ một cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ trên đường Lê Duẩn cho hay, dù đã hạ giá thành đến mức hòa vốn nhưng khả năng “bán tháo” thu hồi vốn đến hết năm là khó thực hiện.

Tại làng nghề Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) - một trong những địa chỉ cung cấp sản phẩm gỗ lớn nhất cho Hà Nội nay gần như ngừng sản xuất. Lý do, ngoài sức mua giảm sút còn là sự tụt dốc không ngờ của giá gỗ nguyên liệu. Hầu hết giá thành các loại gỗ, nhất là gỗ quý nhập từ châu Phi nay đều giảm khoảng 30-40% so với đầu năm.

Gỗ trắc loại đẹp trước đây, có lúc lên tới 600 triệu/m3, giờ sụt xuống chỉ còn trên 200 triệu/m3, gỗ gụ lúc cao là 18 triệu/m3, giờ còn 13 triệu/m3… Nhiều hộ sản xuất dự trữ gỗ nguyên liệu hoặc kinh doanh gỗ nguyên liệu nay bị rơi vào tình trạng phá sản vì đã “trót” vay vốn gom hàng.

Nguyên nhân chính được nhắc đến là tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ. Thị trường bất động sản thế giới và trong nước đều đóng băng, các doanh nghiệp hạn chế xây dựng mới kéo theo sức mua bị giảm sút.

Mặc dù đã có nhiều chiêu “kích cầu” nhưng các cửa hàng đồ gỗ vẫn thưa thớt khách
Mặc dù đã có nhiều chiêu “kích cầu”
nhưng các cửa hàng đồ gỗ vẫn thưa thớt khách

Theo ước tính thì nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ của người Mỹ và các nước EU năm 2008 giảm đến 30% khiến việc xuất khẩu sản phẩm gỗ gặp khó khăn. Trong nước, việc các ngân hàng tăng lãi suất khiến người dân đổ sô đi gửi tiết kiệm, giảm mua sắm cũng là nguyên nhân được các doanh nghiệp đề cập đến.

Thị trường tiêu thụ gỗ “lâm nạn” kéo theo người lao động cũng lao đao. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm một lượng lao động lớn do doanh thu giảm và không có việc làm. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, lúc cao điểm, trong xưởng sản xuất của Mỹ á có khoảng 300 công nhân thì nay chỉ còn hơn 100 người. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, lượng công nhân bỏ việc hoặc bị thôi việc cũng ngày một tăng lên.

Dự đoán diễn biến tình hình tiêu thụ sản phẩm gỗ Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, tình trạng khó khăn của ngành gỗ nước ta sẽ còn kéo dài sang tới năm 2009, thậm chí sẽ gặp nhiều thách thức mới. Thị trường xuất khẩu sẽ bị thu hẹp.

Đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào Mỹ và EU vào khoảng 30-35%, sẽ có những hợp đồng đã ký sẽ hoãn hoặc dừng hẳn. Bên cạnh đó, việc xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại các thị trường lớn như đạo luật LACEY của Mỹ bắt đầu có hiệu lực thi hành hay Hiệp định “Tăng cường thực thi luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT) của EU khiến sản phẩm gỗ Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn ngày một gian nan.

Hà Loan