Thị trường chứng khoán: Xói mòn lòng tin
(ANTĐ) - Trong lúc những lời hứa “cứu” TTCK còn đang thực hiện dở dang thì hàng loạt những biện pháp thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lại “dội bom” vào tâm lý và thắt chặt hầu bao của nhà đầu tư. Và một câu hỏi lớn với không chỉ giới đầu tư mà với cả những nhà hoạch định chính sách là bao nhiêu điểm mới là “đáy” của thị trường trong đợt suy giảm lần này?
“Hy sinh” chứng khoán để kiềm chế lạm phát?
Bất kể những “hứa hẹn” của các cơ quan quản lý về thực hiện các biện pháp “cứu” thị trường như giãn IPO (cổ phiếu phát hành ra công chúng lần đầu) những doanh nghiệp lớn; mua ngoại tệ để tiếp vốn VND cho nhà đầu tư nước ngoài; Bất kể kết quả sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết vượt xa kế hoạch và động thái mua vào cổ phiếu quỹ để giữ giá;
Bất kể thông tin được xếp vào loại “tốt” cho thị trường là dự định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25% của Chính phủ; bảng giao dịch chứng khoán điện tử vẫn nối tiếp những ngày “đỏ rực” kể từ phiên giao dịch đầu xuân Mậu Tý đến nay.
Tính chung lại, trong vòng 2 tuần qua, VN-Index đã mất đến 72,61 điểm; HASTC-Index mất đến 59,18 điểm. Và chỉ số tại 2 sàn đều đã tuột xa khỏi ngưỡng lo ngại là 700 điểm (sàn HOSE) và 250 điểm (sàn HASTC). Sự điều chỉnh không loại trừ mã cổ phiếu nào, bất kể “cũ”, “mới”; bất kể lớn, nhỏ và bất kể hiệu quả hoạt động tốt, xấu.
Có thể nói, tâm điểm của mọi nhận định đều “đổ dồn” về hàng loạt các chính sách của NHNN thời gian qua. Đó là quyết định sửa đổi Chỉ thị 03 về siết chặt vốn vay đầu tư chứng khoán mà theo đó, quy định mới tưởng là nới lỏng nhưng xem ra lại còn chặt chẽ hơn;
Đó là biện pháp thắt chặt tiền tệ với quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và gần đây nhất là yêu cầu 41 tổ chức tín dụng buộc phải mua tín phiếu NHNN với tổng khối lượng lên đến 20.300 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đau buồn trước sự sụt giảm thê thảm của các chỉ số chứng khoán |
Chủ tịch HĐQT một công ty chứng khoán lớn nhẩm tính bên cạnh số tiền 20.300 tỷ đồng phải mua tín phiếu, các ngân hàng thương mại còn phải nộp thêm gần 10.000 tỷ đồng dự trữ bắt buộc (từ tháng
2-2008). Trước đó một chút là gần 10.000 tỷ đồng cho phiên IPO Vietcombank, rồi tới IPO Sabeco và tới đây sẽ là Habeco... Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường tài chính, tiền tệ đã “ngốn” đến hơn 50.000 tỷ đồng. Đây cũng là lý do vì sao khiến cho dòng vốn VND trở nên khan hiếm và túi tiền của nhà đầu tư cũng “cạn” đi.
Nhiều ý kiến đều cho rằng, trong bối cảnh giá cả có xu hướng tiếp tục gia tăng chóng mặt ngay từ đầu năm 2008 thì vấn đề kiềm chế lạm phát phải được đặt vị trí trọng tâm.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra với các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế, đó là biện pháp thắt chặt tiền tệ của NHNN liệu rằng có “quá liều” trong khi nhiều chính sách “hạ nhiệt” giá cả khác lại chưa được thực hiện đồng bộ và hiệu quả?
Bởi việc hút một khối lượng tiền lớn trong lưu thông chỉ trong một thời gian ngắn rõ ràng là gây “sốc” với thị trường tiền tệ, làm khó cả các ngân hàng thương mại khi mà mức huy động lần này gấp từ 20-40 lần những đợt đấu thầu thường kỳ (trung bình chỉ từ 500-1.000 tỷ đồng tín phiếu).
Do vậy, một số chuyên gia kinh tế đã đặt câu hỏi, phải chăng chính sách thắt chặt tiền tệ lần này đã “hy sinh” TTCK để kiềm chế lạm phát? Và phản ứng của thị trường tài chính, tiền tệ, đặc biệt là TTCK với các chính sách này đã cho thấy câu hỏi trên không phải thiếu cơ sở.
Chính sách tiền tệ “dội bom” vào tâm lý và thắt chặt hầu bao nhà đầu tư |
Sự suy giảm lòng tin?
Từ khi chỉ số VN-Index ngấp nghé quanh mốc 800 điểm, nhiều tổ chức tài chính hàng đầu đều đã đưa ra nhận định, giá chứng khoán đã giảm đến mức rất hấp dẫn để có thể mua vào.
Và bất kể TTCK đã có những phiên giao dịch sôi động trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng đà bán tháo vẫn khó chốt chặn trong những phiên giao dịch vừa qua, ngay cả với những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm và vốn không lệ thuộc nguồn vay của ngân hàng.
Lý giải điều này, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Thăng Long cho biết, sau nhiều cú “trầy da tróc vẩy” với TTCK, lòng tin của ông đã ngày càng mai một. Bởi chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, giữa các Bộ, ngành liên quan, thậm chí ngay trong một cơ quan quản lý thôi cũng đã thể hiện “tiền hậu bất nhất”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Chẳng hạn, sau một thời gian thị trường điều chỉnh giảm, đầu tháng 12-2007, UBCKNN đã khẳng định sẽ bàn với NHNN thực hiện các biện pháp “cứu” thị trường thì NHNN lại “im hơi lặng tiếng” khá lâu.
Rồi đến giữa tháng 1-2008, lãnh đạo NHNN vừa hé lộ thông tin, có thể sẽ điều chỉnh Chỉ thị 03 theo hướng tăng tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán thì ngay sau đó, một vị lãnh đạo khác cũng của cơ quan quản lý này lại thẳng thừng tuyên bố “sẽ không có sự điều chỉnh nào” với văn bản này.
Nhưng chưa hết, đến cuối tháng 1-2008 thì NHNN lại cho ra đời Quyết định thay thế với tinh thần còn chặt chẽ hơn nữa với hoạt động cho vay chứng khoán này.
UBCKNN mới đây công bố chương trình hành động năm 2008. Trong đó 4 mục tiêu tổng quát là duy trì hoạt động TTCK an toàn, hiệu quả; hoàn thiện khung pháp lý, thể chế và chính sách để phát triển TTCK; hoàn thiện hệ thống tổ chức thị trường; nâng cấp hạ tầng công nghệ để tăng cường giao dịch và kiểm soát trên thị trường.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, nhóm giải pháp này còn khá chung chung và thực ra cũng chẳng có gì mới! Nào là sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng thông thoáng hơn cho thị trường; tăng cường kiểm soát, giám sát các định chế trung gian trên TTCK, kiểm soát nội bộ công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…
Một chuyên gia kinh tế (giấu tên) thẳng thắn nhận xét, lâu nay, các chính sách của cơ quan quản lý này vẫn luôn “theo đuôi” thị trường. Ngay cả trong trường hợp văn bản, quy định đã có đi nữa thì việc thực hiện vẫn là chuyện rất đáng bàn.
Đơn cử như chuyện các doanh nghiệp lạm dụng kênh huy động vốn này ồ ạt phát hành thêm cổ phiếu đến mức thị trường “bội thực” một thời gian dài thì UBCKNN mới bắt đầu có khuyến nghị về việc này. Rồi chuyện thanh tra, xử phạt cũng chẳng đến đầu đến đũa, từ khả năng phát hiện đến mức xử lý đều rất “đơn giản, nhẹ nhàng”...
Tất cả những điều đó khiến cho lòng tin của nhà đầu tư bị xói mòn. Cộng với đó, nhiều nhà đầu tư tham gia khi thị trường chao đảo như vừa qua chắc sẽ phải mất nhiều năm mới dám quay lại.
Thảo Nguyên