Parkson đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 tại Việt Nam:

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã bão hòa?

ANTD.VN - Parkson không phải là nhà bán lẻ đầu tiên hay duy nhất đóng cửa tại Việt Nam kể từ khi thị trường bán lẻ nước ta mở cửa, nhưng có lẽ đây là doanh nghiệp nước ngoài phải đóng cửa nhiều điểm kinh doanh nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này. Phải chăng, thị trường bán lẻ Việt Nam sắp bước vào thời kỳ khủng hoảng, không còn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư?

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã bão hòa? ảnh 1Thái độ, cung cách phục vụ là mục tiêu các nhà bán lẻ cần đầu tư để làm hài lòng khách hàng

Parkson liên tiếp đóng cửa các điểm kinh doanh tại Việt Nam

Mới đây, Công ty TNHH MTV Thương mại và Bất động sản Thùy Dương chính thức ra thông báo Trung tâm thương mại Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành, quận 11, TP.HCM đã ngưng hoạt động từ 29-1-2018. Đây là trung tâm thương mại thứ tư trong hệ thống Parkson tại Việt Nam tuyên bố đóng cửa. Sau nhiều năm hoạt động, dường như cơ hội kinh doanh đang vơi dần với nhà đầu tư Malaysia này.

Theo đơn vị quản lý Parkson Flemington, doanh nghiệp cũng đã thông báo đến các đối tác về kế hoạch đóng cửa và tất cả các bên đã đạt được thỏa thuận. Việc tạm dừng hoạt động trung tâm thương mại Parkson Flemington không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại khác thuộc hệ thống Parkson tại Việt Nam. Những  quyền lợi cho chủ thẻ thành viên Parkson vẫn được duy trì và áp dụng tại tất cả các trung tâm Parkson.

Thực tế cho thấy, từ quý II-2017, trung tâm thương mại này đã bắt đầu có động thái thu hẹp hoạt động kinh doanh. Tháng 7-2017, khá nhiều gian hàng trong Trung tâm thương mại Parkson Flemington bị bỏ trống và đến tháng 9-2017, hàng loạt thương hiệu lần lượt rút quân, trả mặt bằng. Tuy nhiên, phải đến tận đầu năm 2018, thông tin Parkson  Flemington đóng cửa mới chính thức được phát đi. 

Như vậy, sau 13 năm có mặt tại Việt Nam, đầu tư hàng loạt trung tâm thương mại cao cấp và phát triển được chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp tại các thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Parkson đã thể hiện sự đuối sức rõ rệt trên “đường đua” khốc liệt của lĩnh vực bán lẻ.

Trước Parkson Flemington, 3 trung tâm thương mại khác của nhà đầu tư Malaysia này đã buộc phải đóng cửa, gồm có: Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng cửa hồi tháng 1-2015; Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM) đóng vào tháng 5-2016; Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động tháng 12-2016. Hệ thống của Parkson tại TP.HCM chỉ còn 4 Trung tâm thương mại gồm Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1); CT Plaza (Tân Bình); Cantavil (quận 2); Hùng Vương (quận 5).

Cách đây không lâu, “đại gia” bán lẻ này đặt mục tiêu mỗi năm sẽ mở 2-3 trung tâm tại các đô thị lớn của Việt Nam, đồng nghĩa với việc tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, Parkson đã dừng hẳn đầu tư tại Việt Nam, liệu có phải thị trường bán lẻ Việt Nam đã bước vào thời kỳ bão hòa?

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã bão hòa? ảnh 2Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng cửa do kinh doanh không hiệu quả

Lỗi tại Parkson!

Ngay sau thông tin Parkson   Flemington đóng cửa, trên nhiều diễn đàn, những ý kiến thẳng thắn đánh giá về Parkson đã được đăng tải, trong đó nổi bật là những phản hồi thiếu tích cực về phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng tại Parkson. Cụ thể, nhân viên tại trung tâm thương mại này thường chỉ nhiệt tình với những khách hàng nhìn thấy có tiềm lực tài chính, thờ ơ với những khách hàng bình dân. Ngay cả những khách hàng có phiếu mua hàng cũng bị đối xử lạnh nhạt và vì vậy, nhiều khách hàng đã một đi không trở lại Parkson.

Đánh giá ở góc độ người kinh doanh, một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng, thái độ của nhân viên Parkson như “đổ thêm dầu vào lửa” khi trung tâm thương mại này vốn cũng không có quá nhiều điểm hấp dẫn đối với khách hàng người Việt. “Trong khi các trung tâm thương mại khác của các nhà bán lẻ vẫn ăn nên làm ra thì Parkson ngày càng thụt lùi. Vốn dĩ Parkson đã thiếu linh hoạt trong hoạt động kinh doanh, trong cơ cấu hàng hóa, lại thêm thái độ thiếu thiện chí của nhân viên nên họ thua lỗ là đúng” - vị chuyên gia cho hay - các trung tâm thương mại lớn vẫn hút khách vì đa dạng hoạt động như: kinh doanh hàng hóa, ẩm thực, xem phim, vui chơi và giá cả bình dân phù hợp với nhiều lứa tuổi và phân khúc thu nhập của khách hàng nhưng Parkson vẫn chỉ bán lẻ đơn độc nên không hấp dẫn.

Về cơ cấu hàng hóa, Parkson chỉ kinh doanh hàng hiệu cao cấp, trong khi thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện mới ở mức 2.148 USD/người, nhóm người có thu nhập từ 5.000-7.000 USD/năm chỉ chiếm 10-20% vẫn ít nên các loại hàng hiệu có giá trị từ vài triệu đồng trở lên không phù hợp. Chưa kể, hàng hiệu rất dễ bị làm giả, làm nhái nên nhiều người tiêu dùng nghi ngại khi mua hàng hiệu tại Việt Nam. Đặc biệt, tại miền Bắc, tập quán tiêu dùng khắt khe hơn với miền Nam nên các yếu tố trên là điểm trừ của Parkson so với các nhà bán lẻ khác.

Theo báo cáo của nhà bán lẻ Malaysia, năm 2017, dù doanh thu của Parkson Holding Berhad đạt gần 4 tỷ Ringgit Malaysia (RM), tương đương hơn 23.000 tỷ đồng nhưng khoản lỗ hoạt động tăng gần 40% so với năm trước, đạt 142 triệu RM. Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường có tỷ lệ tăng trưởng âm cao nhất.

Trong năm tài chính 2017 (kết thúc ngày 30-6-2017), tỷ lệ tăng trưởng đối với các trung tâm thương mại đã mở trên một năm (same-store sales growth - SSSG) của Parkson tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận con số âm 13,6%, mức độ giảm chỉ dưới   Myanmar, nhưng đứng trên tất cả các thị trường còn lại của Parkson. Về kết quả kinh doanh cụ thể, tổng doanh thu của thị trường Việt Nam và Myanmar trong năm tài chính 2017 chỉ đạt 101 triệu RM (gần 600 tỷ đồng), giảm hơn 9% so với năm trước. Bộ phận kinh doanh này báo lỗ 5 triệu RM, tương đương hơn 29 tỷ đồng.

Bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào?

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Bằng chứng là việc không chỉ các trung tâm thương mại, siêu thị lớn nêu trên vẫn ăn nên làm ra mà các cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích ngày càng đông khách. Ở thời điểm hiện tại, những trung tâm thương mại kết hợp với vui chơi giải trí, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giá cả bình dân sẽ được yêu thích. Bên cạnh đó, thái độ, cung cách phục vụ cũng là mục tiêu các nhà bán lẻ cần đầu tư để chuyên nghiệp hơn, làm hài lòng khách hàng. Tầm nhìn trong khoảng 10 năm nữa, khi GDP trung bình của Việt Nam lên tới khoảng 5.000 USD/người/năm thì bán lẻ hàng hiệu, hàng đặc chủng mới có “đất sống”. 

Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có hơn 700 điểm bán lẻ hiện đại, trong đó có khoảng 100 điểm bán lẻ được đánh giá là có quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn. Và trong số 100 điểm bán lẻ này, có tới 52 điểm thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Thái Lan.

Cơ cấu hàng hóa tương đồng, chất lượng hàng hóa “nhỉnh” hơn hàng Việt và hàng Trung Quốc (2 mặt hàng chiếm thị phần lớn tại Việt Nam), giá cả bình dân phù hợp với người dân Việt Nam mang lại lợi thế và lợi nhuận cho các nhà đầu tư Thái Lan.

Trong “cuộc đua” bán lẻ ngày càng khốc liệt, cũng có những doanh nghiệp Việt Nam, song theo các chuyên gia, doanh thu của các doanh nghiệp Việt chỉ bằng từ 1/5 đến 1/10 so với các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam. Từ sự thua lỗ của Parkson có thể rút ra bài học cho doanh nghiệp Việt Nam là nếu không có sự chuyển mình sáng tạo, rất có thể, nhiều doanh nghiệp Việt cũng không giữ được lợi thế “chủ nhà”.

“Ở thời điểm hiện tại, những trung tâm thương mại kết hợp với vui chơi giải trí, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giá cả bình dân sẽ được yêu thích. Bên cạnh đó, thái độ, cung cách phục vụ cũng là mục tiêu các nhà bán lẻ cần đầu tư để chuyên nghiệp hơn, làm hài lòng khách hàng. Tầm nhìn trong khoảng 10 năm nữa, khi GDP trung bình của Việt Nam lên tới khoảng 5.000 USD/người/năm thì bán lẻ hàng hiệu, hàng đặc chủng mới có “đất sống”.

Ông Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội)