Thị trường bán lẻ: Cơ hội vẫn rộng mở cho doanh nghiệp nội

ANTĐ - Thị trường bán lẻ đầu năm 2016 sôi nổi với câu chuyện ai sẽ mua lại Big C Việt Nam, trong đó, nhiều dự báo ưu thế nghiêng về các doanh nghiệp Thái Lan. Nếu điều này thành hiện thực, thị trường Việt Nam lại tăng thêm sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài. Liệu khi đó, cơ hội có còn cho doanh nghiệp Việt Nam?

Thị trường bán lẻ: Cơ hội vẫn rộng mở cho doanh nghiệp nội ảnh 1

Doanh nghiệp nội vẫn thành công trong lĩnh vực bán lẻ

“Thị trường còn bao la”

Ông Trần Kinh Doanh - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thế giới di động cho biết, nhà bán lẻ này sẽ tập trung xây dựng hoàn chỉnh mô hình cửa hàng tiện ích Bách hóa xanh trong năm 2016. Đây sẽ là hệ thống cửa hàng bán hàng tiêu dùng thiết yếu tại thị trường nội địa, bên cạnh chuỗi bán lẻ Thế giới di động chuyên về điện thoại, máy tính và Điện máy xanh, kinh doanh hàng điện máy, đồ gia dụng… 

Thị trường bán lẻ Việt Nam lâu nay vẫn được đánh giá là đầy tiềm năng. Nhận định này càng có cơ sở khi hàng loạt  nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Có thể kể đến nhà đầu tư Thái Lan mua lại một phần cổ phiếu của chuỗi điện máy Nguyễn Kim; Aeon Nhật Bản mở trung tâm thương mại và phối hợp với Fivimart; tỷ phú Thái Lan mua lại Metro Việt Nam… và gần nhất là Big C Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm trả giá.

Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ Vinmart cũng nhanh chóng mở rộng mạng lưới đến từng ngõ nhỏ. Vậy trước những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ, Bách hóa xanh có thể cạnh tranh? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Kinh Doanh thẳng thắn: “Cạnh tranh thì ở đâu cũng có, nhưng chúng tôi không lo. Bán lẻ hiện đại hiện chỉ chiếm 20-25%, còn lại là bán lẻ truyền thống chiếm tỷ lệ áp đảo. Ta cứ đua nhau làm hết sức còn chưa đáp ứng hết nhu cầu, nói gì đến việc sợ. Cạnh tranh là phải làm việc tốt hơn, nhanh hơn, chứ không phải nhìn người khác làm thế nào rồi ganh đua với họ. Thị trường còn bao la”. 

Theo tính toán của các chuyên gia, trong lĩnh vực bán lẻ, nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng chỉ 7-8 tỷ USD/năm, nhưng hàng nhu yếu phẩm thì ước đoán lên tới 20-30 tỷ USD/năm. Metro, Big C, Co.opmart… chỉ đang chiếm khoảng 20-25% thị phần, khoảng trống còn lại đủ cho sự xuất hiện của 1,3-1,4 triệu cửa hàng tiện ích, thay thế dần bán lẻ truyền thống. 

Bán lẻ nội vẫn chiếm ưu thế

Đại diện của Thế giới di động khẳng định, dù các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có rầm rộ đến bao nhiêu, mạnh về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị đến bao nhiêu thì hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm ưu thế. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, thị trường nổi lên những tên tuổi hoàn toàn Việt Nam như: Thế giới di động, FPT, Viễn thông A, Viettel… Trong lĩnh vực điện máy vẫn là Trần Anh, Pico, Nguyễn Kim, Điện máy Xanh…

Ở lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng, dù có sự tham gia mạnh mẽ của Big C, Metro, Aeon, Bmart, Shop&Go… nhưng lớn nhất thị trường vẫn là Co.opmart với doanh thu năm 2015 khoảng 26.000-27.000 tỷ đồng. “Tổng cộng hệ thống bán lẻ hiện đại quy mô nhỏ (cửa hàng tiện ích) của nước ngoài tại Việt Nam chưa đến 500 điểm. Con số này không chiếm tỷ lệ đáng kể nào trong thị trường hàng tiêu dùng vô cùng lớn. Mặc dù trong số các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn có người đứng tại chỗ, người đóng cửa, người phát triển, nhưng vẫn có những doanh nghiệp thành công” - ông Trần Kinh Doanh nói.

Mới đây, trao đổi với báo chí, một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng “Đừng bi kịch hóa chuyện thâu tóm doanh nghiệp Việt của người Thái”. Theo vị này, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài dù có quy mô lớn nhưng không phải là tất cả của nền kinh tế Việt Nam, trong khi việc đầu tư này cũng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.