Thanh toán trên điện thoại di động - đua tranh chiếm thị phần

ANTD.VN - Không còn nghi ngờ gì nữa, thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó thanh toán qua điện thoại di động sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Vì vậy, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp đang có những bước chạy nước rút để không bị lạc hậu trong kỷ nguyên số.

 Thanh toán trên điện thoại di động - đua tranh chiếm thị phần ảnh 1Thanh toán qua điện thoại di động đang trở nên quen thuộc hơn với người dân

Cuộc đua tranh quyết liệt

Những ngày sát Tết Nguyên đán, tại một cửa hàng thời trang lớn trên phố Giảng Võ đang khuyến mãi nên đông nghịt khách. Cửa hàng phân ra 2 quầy thanh toán, một quầy dành cho tiền mặt, quầy còn lại dành cho khách hàng dùng khác phương tiện thanh toán online, bao gồm quẹt thẻ và quét mã QR Code của VnPay. Tuy nhiên, tại quầy thanh toán tiền mặt lượng khách ít hơn hẳn. Một nhân viên thu ngân cho biết, lượng khách thanh toán tiền mặt tại cửa hàng chỉ khoảng 30%, rất nhiều khách hàng chọn thanh toán bằng cách không tiền mặt như quẹt thẻ ATM, thẻ tín dụng, ví điện tử, Mobile Banking… Đặc biệt, thanh toán bằng quét mã QR trên ứng dụng Mobile Banking tăng đột biến vì VnPay đang triển khai chương trình khuyến mại áp dụng mã giảm giá lên đến 10% (tối đa 100 nghìn đồng). 

Có thể thấy, từ khoảng năm 2019 đến nay, các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động liên tục đưa ra những ưu đãi, khuyến mãi “sốc” đối với khách hàng. Còn nhớ, đầu tháng 11-2019, tại nhiều cửa hàng xăng dầu chứng kiến dòng người xếp hàng đông đúc để mua xăng khi ví điện tử MoMo tung chương trình khuyến mãi “Ngày hội siêu hoàn tiền 50%”.

Trước đó ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab cũng “gây bão” với chương trình hoàn tiền lên tới 400.000 đồng khi thanh toán hóa đơn điện trên ứng dụng này. Tân binh VinID cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. VnPay với hàng loạt mã giảm giá 5%, 10%... khi thanh toán bằng quét QR Code phủ sóng rộng khắp các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng thời trang, ăn uống, điện máy… đã khiến thị trường thanh toán qua điện thoại di động (ĐTDĐ) trở nên sôi động. Không khó để bắt gặp hình ảnh một bảng thông báo dán trước quầy thanh toán của các đơn vị bán hàng với 3 cái tên MoMo, VnPay và Moca, ngoài ra còn có Airpay hay Samsung Pay.

Theo thông tin từ các đơn vị cung cấp thì đến cuối 2019 MoMo đã có mặt tại khoảng 100.000 điểm chấp nhận, Moca cũng hiện diện tại hàng chục nghìn điểm. Trong khi đó, chiến dịch QR Pay mới chỉ bắt đầu trong nửa cuối năm 2019, nhưng đến nay VnPay đã phủ sóng tới hơn 50.000 điểm bán hàng. Trên thực tế, VnPay không phải là ví điện tử, cũng không có bất kỳ ứng dụng riêng lẻ nào dành cho khách hàng. Mã QR của VnPay được tích hợp trên hàng chục ứng dụng di động của các ngân hàng khác nhau. Nói cách khác, VnPay đang cung cấp chung một giải pháp thanh toán bằng mã QR cho các ngân hàng, thay vì các ngân hàng tự phát triển mã QR thanh toán khác nhau. Quản lý một điểm bán hàng cho hay, sở dĩ lượng thanh toán qua mã QR VnPay tăng mạnh vì khá thuận tiện cho người dùng, khách hàng không cần thiết phải tải một ứng dụng ví điện tử, phải nạp tiền vào ví mà chỉ cần sử dụng chính ứng dụng Mobile Banking trên điện thoại thông minh.

Xu hướng tất yếu

Khảo sát của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) tại 27 quốc gia đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018, với tỷ lệ người sử dụng tăng từ 37% lên 61%. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, ngày càng có nhiều đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ cũng như triển khai các dịch vụ chấp nhận thanh toán di động, đáp ứng nhu cầu thanh toán hiện đại của khách hàng.

Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện nay trong lĩnh vực thanh toán, Việt Nam đã ứng dụng tất cả công nghệ mới trên thế giới (ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, Tokenization...). Tính đến cuối tháng 10-2019, đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức thực hiện qua ĐTDĐ. Đáng nói, tốc độ tăng trưởng số lượng và giá trị các giao dịch tài chính qua kênh ĐTDĐ tăng rất mạnh, tính đến cuối tháng 10-2019 đã tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018. “Thanh toán qua ĐTDĐ đang trở thành xu hướng mới với việc ứng dụng các công nghệ mới như QR Code, giao tiếp trường gần (NFC), số hóa thông tin thẻ (Tokenizatinon), xác thực sinh trắc học… Với Mobile Banking, ngân hàng đã triển khai được nhiều dịch vụ hơn. Khách hàng có thể trả tiền điện online, mua vé máy bay… gần như tất cả các dịch vụ trong cuộc sống” - đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Mobile money - giải pháp của tài chính toàn diện

Bên cạnh các ứng dụng thanh toán qua ĐTDĐ nêu trên thì tại Dự thảo thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt mới đây nhất, một thuật ngữ mới cũng đã được xuất hiện, đó là Mobile Money (tiền di động). Theo dự thảo, tiền di động được định nghĩa là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Dịch vụ này, sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, có thể dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ khác có giá trị nhỏ mà không cần thiết có tài khoản ngân hàng, do đó sẽ góp phần quan trọng trong việc phổ cập tài chính toàn diện ở Việt Nam - nơi mà một tỷ lệ lớn người dân vẫn chưa có tài khoản ngân hàng.

Dự thảo thay thế Nghị định 101 xếp tiền di động nằm trong loại dịch vụ hỗ trợ thanh toán, thuộc dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, trước hết, phải đáp ứng các tiêu chí về trung gian thanh toán để được cấp phép, bao gồm điều kiện về vốn, đề án hoạt động, các điều kiện về nhân sự, kỹ thuật...

Theo Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), bản chất của Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money (ở đây có thể là nhà mạng) không phải là đơn vị phát hành tiền điện tử vì không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông. Họ chỉ chuyển đổi hình thức của tiền mặt để khách hàng có thể sử dụng thanh toán. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, Mobile Money bản chất là eMoney, là ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất giữa ví điện tử và Mobile Money là phần định danh khách hàng (KYC - Know your customer). Với ví điện tử, KYC do ngân hàng làm. Còn với Mobile Money, các công ty cung cấp dịch vụ phải tự làm. Như vậy, thách thức với các nhà mạng là kho dữ liệu khách hàng phải chính xác, phải làm xác thực như ngân hàng, tránh mạo danh...

Liên quan vấn đề này, mới đây nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay, hiện nay Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt được sự thống nhất về đề án Mobile Money. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, thực hiện thí điểm nên cần có ý kiến của Bộ Tư pháp mới được triển khai chính thức, dự kiến là trong năm 2020 này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020, trong đó yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt - một giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết 02 của Chính phủ. Cụ thể, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngành ngân hàng phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả. Đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số; tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.

Tại Nghị quyết 02, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới. Hoàn thành trong quý IV năm 2020.