Thành lập Công ty tài chính cổ phần Điện lực

(ANTĐ) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance).

Thành lập Công ty tài chính cổ phần Điện lực

(ANTĐ) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance).

Công ty tài chính cổ phần Điện lực với mục đích huy động vốn đầu tư cho ngành điện là vô cùng cần thiết (ảnh minh họa)
Công ty tài chính cổ phần Điện lực với mục đích huy động vốn đầu tư cho ngành điện là vô cùng cần thiết (ảnh minh họa)

Công ty tài chính cổ phần Điện lực có tên viết tắt bằng tiếng Việt là Công ty tài chính Điện lực; tên đầy đủ bằng tiếng Anh là EVN Finance Joint Stock Company, tên viết tắt bằng tiếng Anh là EVN  Finance.  Công ty  có trụ sở chính tại số 434 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Đây là công ty Tài chính thứ 14 được cấp giấy phép thành lập trong hệ thống các Công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước quản lý và là Công ty có số vốn điều lệ với 2.500 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm và được hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Các hoạt động chính mà Công ty tài chính cổ phần Điện lực  được thực hiện gồm:

- Nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá khác để huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Vay vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước, ngoài nước và các tổ chức tài chính quốc tế.

- Tiếp nhận vốn uỷ thác của Chính phủ, của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

- Cho vay ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Cho vay theo uỷ thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định hiện hành của Luật các tổ chức tín dụng và hợp đồng uỷ thác.

- Cho vay tiêu dùng dưới hình thức cho vay mua trả góp.

- Chiết khấu, tái chiết khấu,  cầm cố thương phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác.

- Cấp tín dụng dưới hình thức chiết khấu, cầm cố thương phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác đối với các tổ chức và cá nhân.

- Công ty tài chính cổ phần Điện lực và các tổ chức tín dụng khác được tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác cho nhau.

- Bảo lãnh bằng uy tín và khả năng tài chính của mình đối với người nhận bảo lãnh. Việc bảo lãnh này phải được thực hiện theo quy định tại điều 58, điều 59, Điều 60 Luật các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Cấp tín dụng dưới các hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Thực hiện mốt số nghiệp vụ về mở tài khoản, dịch vụ ngân quỹ và các hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo EVN, giai đoạn 2006-2010, nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành điện khoảng 325.478 tỷ đồng, trong đó EVN phải huy động khoảng 222.771 tỷ đồng. Hiện EVN đã cân đối được đến năm 2010 là khoảng 157.094 tỷ đồng, còn thiếu 94.266 tỷ đồng chưa thu xếp được.

Với nhu cầu đầu tư quá lớn như trên thì khả năng đáp ứng vốn của EVN còn rất khó khăn. Trong khi thị trường vốn và thị trường tài chính của Việt Nam chưa phát triển, khả năng huy động vốn của các ngân hàng trong nước còn hạn chế do vốn điều lệ của các ngân hàng trong nước nhỏ, không thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của ngành điện. Vì vậy, việc thành lập một Công ty tài chính với mục đích huy động vốn đầu tư cho ngành điện là vô cùng cần thiết.

LT