Tháng 6, giá cả thực phẩm tươi sống sẽ ổn định
Hà Nội ứng 500 tỷ đồng để dự trữ hàng hoá
(ANTĐ) - Đó là nhận định của Sở Công Thương Hà Nội về thị trường thực phẩm tươi sống trong tháng 5-2010. Do người tiêu dùng lo ngại về dịch lợn tai xanh đang lan rộng ở Hà Nội và các địa phương lân cận, khiến nguồn tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh và nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm thay thế khác như: thịt bò, gà, tôm, cua, cá... tăng cao. Kéo theo đó, giá cả các loại thực phẩm này cũng tăng đáng kể.
Nhu cầu thực phẩm thay thế thịt lợn tăng cao trở lại |
Cụ thể: Thịt bò thăn và thịt bò mông tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg; gà ta sống tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg; gà ta nguyên con làm sẵn tăng 10.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp hơi, vịt hơi, vịt thịt có cùng mức tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg; ngan hơi tăng 4.000 - 8.000 đồng/kg. Cá là một trong các loại thực phẩm bán chạy nhất nên giá cũng tăng. Hiện cá chép tại các chợ tăng 5.000 đồng/kg; rô phi tăng 3.000 đồng/kg; cá trắm tăng 5.000 đồng/kg; cá quả tăng 10.000 đồng/kg; tôm sú và tôm giảo có cùng mức tăng 15.000 đồng/kg. Một số loại thuỷ, hải sản tại siêu thị Coopmart có tăng giá như: sò huyết tăng 7.500 đồng/kg, cá basa tăng 7.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thịt lợn những ngày cuối tháng 5 đã giảm khá mạnh, từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Lượng tiêu thụ thịt tại các chợ giảm mạnh trong khi đó, sức tiêu thụ mặt hàng này tại các siêu thị lại tăng trung bình khoảng 15% so với trước khi có dịch. Sở Công Thương Hà Nội dự báo, trong tháng 6 tới, giá cả các loại thực phẩm tươi sống sẽ giữ ở mức ổn định.
Nhằm tổ chức tốt nguồn hàng và mạng lưới phân phối ổn định các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; chủ động kiểm soát, điều tiết được giá cả các mặt hàng thiết yếu; UBND thành phố Hà Nội có chủ trương tạm ứng số vốn là 500 tỷ đồng cho các doanh nghiệp với lãi suất 0% trong 10 tháng để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu nhằm thực hiện bình ổn thị trường năm 2010 và Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011. UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính triển khai thực hiện việc tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp để dự trữ hàng hóa nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.
Ngoài ra, để triển khai công tác cứu trợ khẩn cấp khi có bão lụt xảy ra, Sở Công Thương đã xây dựng phương án đề xuất UBND thành phố tạm ứng 150 tỷ đồng cho các doanh nghiệp để dự trữ các mặt hàng thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ cứu trợ khẩn cấp và ổn định đời sống nhân dân sau bão lụt.
Thanh Hoàn