"Thả nổi" giá xăng dầu: Nên hay không?

ANTD.VN - Giá xăng dầu trong nước nếu được “thả nổi” sẽ bám sát giá dầu thế giới, có tác động tích cực nhất định đối với doanh nghiệp, tránh những “cú sốc” tâm lý khi tăng giá với người tiêu dùng, nhưng mặt trái của nó là gì?

"Thả nổi" giá xăng dầu: Nên hay không? ảnh 1

Vẫn còn đó những lo ngại nếu "thả nổi" giá xăng dầu

Cần thị trường cạnh tranh thực sự

Ủng hộ quan điểm nên để giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới song chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân cho hay: “Trong tương lai phải thả nổi giá xăng dầu trong nước nhưng tại thời điểm bây giờ, cần nghiên cứu kỹ. Quan điểm của tôi là chưa nên thực hiện ngay vì thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh thực sự. Nếu chúng ta thả nổi, sẽ không thể kiểm soát được”.

GS Đặng Đình Đào cho rằng, chênh lệch giá bán lẻ giữa các doanh nghiệp xăng dầu rất ít, thậm chí giá của nhiều doanh nghiệp bằng nhau trong suốt những năm vừa qua mặc cho Liên Bộ Công Thương- Tài chính chỉ đưa ra mức giá trần, cho thấy chưa có sự cạnh tranh thực sự trên thị trường. Petrolimex vẫn chiếm phần lớn thị trường với lý do do lịch sử để lại.

Hơn nữa, mặc dù kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực đòi hỏi sự an toàn và những điều kiện kinh doanh khác biệt, nhưng một khi việc gia nhập thị trường còn không ít khó khăn như hiện nay thì thả nổi giá cả rất dễ khiến người dùng chịu thiệt.

Một chuyên gia khác cho rằng, việc minh bạch thông tin trong lĩnh vực xăng dầu vẫn chưa được thực hiện như mong muốn, còn nhiều “hộp đen” mà giải mã được nó, giá xăng mới nên được theo thị trường. Chẳng hạn như với giá xăng E5, 5% ethanol dùng để pha trộn thì có bao nhiêu phần trăm là do trong nước tự sản xuất, 95% còn lại là xăng RON92 thì giá thế giới là bao nhiêu? Doanh nghiệp trong nước tự sản xuất được bao nhiêu xăng RON92, giá cả thế nào?

“Nếu công khai được các con số này thì nên để giá xăng theo thị trường ngay lập tức”- vị chuyên gia nói.

Ngay sau khi ý kiến liên quan đến việc để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu được đưa ra, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối. Anh Đặng Văn Tuyến (Hà Đông- Hà Nội) cho rằng: “Xăng dầu đang độc quyền bởi các ông lớn chứ không phải là cạnh tranh tự do, nên thả nổi giá chẳng khác nào giao cây quyền trượng vào tay các doanh nghiệp độc quyền; Chỉ cần tăng giá một buổi sáng, đến lúc có nhiều ý kiến phản đối thì các doanh nghiệp đã thu cả trăm tỷ đồng. Ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại của người tiêu dùng?”

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh- Học viện Tài chính, mặc dù muốn sớm đưa xăng dầu thành loại hàng hóa bình thường song vấn đề an ninh năng lượng buộc lộ trình thực hiện phải chậm lại. 

Năm 2020, giá xăng nên theo thị trường?

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội) cho rằng: "Không thể lấy lý do an ninh năng lượng làm rào cản làm chậm việc điều hành giá xăng dầu theo thị trường, thay vào đó thể giao nhiệm vụ này cho các đơn vị có trách nhiệm trực thuộc Chính phủ. 

Gán cho một doanh nghiệp trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời kiểm soát giá theo mệnh lệnh hành chính là làm trái với thị trường. Xu hướng "thả nổi" giá xăng, dầu là phù hợp khi nền kinh tế ngày càng xác lập rõ hơn tính chất thị trường".

Thực tế cho thấy, đề xuất thả nổi giá xăng dầu đã được đưa ra từ trước năm 2007. Tuy nhiên đến nay, đây vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, bởi gốc rễ căn cơ của vấn đề là sự độc quyền, tính minh bạch, mối quan hệ giữa nhiệm vụ an ninh năng lượng và hoạt động kinh tế đơn thuần của doanh nghiệp chưa được tách biệt.

Quan sát thực tế cho thấy, từ khi giá xăng dầu được điều hành theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đến nay, với chu kỳ điều hành giá 15 ngày/ lần, người tiêu dùng không còn những phản ứng “sốc” với giá xăng dầu nữa. Thay vào đó, chỉ khi giá biến động theo chiều tăng mạnh, người dân mới chú ý. Điều này cho thấy, nếu thị trường cạnh tranh và minh bạch, người dân có thể chấp nhận việc thay đổi giá xăng theo ngày và bám sát thế giới.

Theo GS Đặng Đình Đào, trước mắt, nên tạo điều kiện để thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh và nên bắt tay làm ngay bây giờ. Đến khoảng năm 2020, giá xăng dầu biến đổi theo ngày, theo thị trường thế giới là hợp lý. Còn hiện tại, để giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới, nên nghiên cứu loại bỏ các yếu tố phi thị trường như: Quỹ bình ổn giá, chi phí định mức, lợi nhuận định mức.

“Nhiều chuyên gia đã tham góp nên loại bỏ các khoản này trong cơ cấu giá thành xăng dầu, nhưng đến nay các yếu tố này vẫn còn nguyên. Nên mạnh dạn cải cách từng bước một. Ngành lương thực đã làm được điều này, trước đây Nhà nước nắm toàn bộ vì lý do an ninh lương thực, nhưng sau khi để thị trường tự định giá, chưa hề xảy ra một vấn đề nào về mất an ninh lương thực”- GS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.