Thành lập 5 tổng công ty điện lực:
Tập dượt cạnh tranh?
(ANTĐ) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất thành lập 5 tổng công ty điện lực trên cơ sở tổ chức lại 11 công ty điện lực hiện có của tập đoàn. EVN cho rằng, 5 tổng công ty này sẽ là các đơn vị mua, bán buôn điện, tập dượt khả năng cạnh tranh cho phù hợp với lộ trình hình thành và phát triển của thị trường điện Việt Nam.
Tái cơ cấu ngành điện phải đảm bảo cho thị trường phát điện cạnh tranh |
Theo tờ trình, EVN đã đưa ra 4 phương án sắp xếp lại 11 công ty điện lực hiện có. Theo phương án 1, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc được tổ chức lại từ Công ty Điện lực 1, Công ty TNHH MTV Điện lực: Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 3, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng và Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa. Tổng Công ty Điện lực miền Nam được thành lập từ việc tổ chức lại Công ty Điện lực 2 và Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai. Bên cạnh đó là thành lập Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty Điện lực TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. 5 tổng công ty này đều trực thuộc EVN và do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tập đoàn cũng nắm quyền quyết định về nhân sự và định hướng sản xuất kinh doanh… Các tổng công ty có vốn từ 1.300 hơn 6.000 tỷ đồng.
Sau khi so sánh những ưu nhược điểm của 4 phương án, EVN đề xuất lựa chọn phương án 1 này bởi việc thu gọn tổ chức sẽ phù hợp với giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh bắt đầu từ năm 2015. Các đơn vị sẽ thực hiện hoạt động mua buôn, bán buôn điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện, tập dượt khả năng cạnh tranh. Các đơn vị phát điện cũng phải cạnh tranh để bán điện cho các tổng công ty này.
Mặt khác, việc thành lập 5 tổng công ty còn nhằm mục đích giúp các đơn vị này dễ tiếp cận vốn vay của ngân hàng hơn, chủ động hơn trong kinh doanh… Các tổng công ty sẽ phát triển đa ngành, trong đó, trọng tâm là kinh doanh điện năng, viễn thông công cộng và cơ khí điện lực.
Tuy nhiên, EVN cũng cho rằng, phương án này có nhược điểm lớn nhất là sẽ làm phát sinh thêm đơn vị mua bán điện trung gian, từ đó phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty. Hơn nữa, sự sắp xếp mới có thể khiến khả năng tập trung vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống điện phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khó đáp ứng được do cơ chế hoạt động, tính chủ động, tự quyết và chịu trách nhiệm của các công ty thành viên (trước khi tổ chức lại) bị hạn chế.
EVN đã tính đến phương án khắc phục nhược điểm bằng cách giữ nguyên cơ chế hoạt động, mức phân cấp cho 6 công ty TNHH MTV, cổ phần Điện lực tỉnh (thành phố) như hiện nay khi chuyển thành các công ty con của các Tổng công ty điện lực miền.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đề xuất này của EVN vẫn đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của tập đoàn này. EVN vẫn giữ quan điểm như hồi tháng 2-2009, khi tập đoàn này có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, không nhất trí với phương án chia tách EVN của Bộ Công Thương để xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh. Theo EVN, nếu bị chia tách, tập đoàn sẽ bị thu hẹp và khiến họ không còn là tập đoàn kinh tế mạnh như chủ trương của Nhà nước.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng đã đưa ra quan điểm về tái cơ cấu ngành điện. Theo đó, việc cần làm là thành lập các tổng công ty mua bán điện quốc gia, hoạt động độc lập do Chính phủ quản lý, trực thuộc Bộ Tài chính nhằm xóa bỏ độc quyền của EVN, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và khó xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh. “Soi” vào phương án đề xuất của EVN, có thể thấy EVN vẫn nắm toàn bộ quyền điều khiển của các tổng công ty thành viên khi tập đoàn vẫn nắm 100% vốn điều lệ và có quyền quyết định về tổ chức, nhân sự, định hướng kinh doanh.
Một chuyên gia của Bộ Tài chính bày tỏ, với đề xuất này, có vẻ EVN đã tự mâu thuẫn bởi nguyên tắc xây dựng đề án là tạo ra một thị trường điện cạnh tranh, nhưng thể chế hoạt động, cơ quan quản lý, chức năng nhiệm vụ lại vẫn giữ độc quyền. Phương án tối ưu được đề xuất là phải chia nhỏ các đơn vị của EVN hoặc tạo điều kiện xuất hiện một “đại gia” ngành điện khác mới có thể cạnh tranh thực sự.
Vân Hằng