Tăng thuế giá trị gia tăng sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa

ANTD.VN - Như Báo An ninh Thủ đô đã đưa tin, mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% với 2 lý do chính là nợ công cao và mức thuế giá trị gia tăng của Việt Nam đang thấp hơn các nước. Đề xuất này tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi từ dư luận.

Việc tăng thuế GTGT sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới

Theo Bộ Tài chính, số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016. Không chỉ vậy, các nước còn có xu thế tăng thuế suất GTGT. Chẳng hạn, thuế suất trung bình tại các nước Liên minh châu Âu (EU) năm 2000 là 19%, đến năm 2014 tăng lên xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%.

Các nước quanh khu vực như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.

Còn tại Việt Nam, thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa thông thường đang ở mức 10%. Theo Bộ Tài chính, để phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế GTGT quốc tế, Bộ này đã đề nghị nâng mức thuế suất 10% lên 12% kể từ ngày 1-1-2019 hoặc tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1-1-2019 và 14% từ ngày 1-1-2021. 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thu ngân sách hàng năm chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ, không có nguồn cho đầu tư thì việc gia tăng ngân sách từ nguồn thuế là cần thiết. Theo tính toán của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), nếu thuế GTGT tăng 2% sẽ giúp thu ngân sách có thêm 59.000 tỷ đồng; từ đó tỷ trọng thuế GTGT trong thu ngân sách sẽ tăng lên khoảng 33%. 

Tuy nhiên, theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Australia (CMA Australia) tại Việt Nam, hiện tại, vấn đề nằm ở chỗ, Chính phủ đang có xu hướng tăng các khoản thuế đánh vào người tiêu dùng nói chung thay vì các loại thuế trực thu đánh vào thu nhập. Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất thuế GTGT lên 12% cũng phản ánh xu hướng này.

“Theo đúng nguyên tắc thì phải thu thuế từ người giàu, người kinh doanh lợi nhuận thì nộp thuế, nhưng ở Việt Nam thì tỉ trọng thu thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, thấp hơn so với các nước nhiều, chủ yếu do hành lang pháp lý yếu kém. Trong khi đó chúng ta lại có xu hướng đánh thuế vào những hoạt động thông dụng, người giàu, người nghèo phải nộp thuế như nhau. Chẳng hạn như thuế môi trường đánh vào xăng dầu hay thuế VAT. Nhà giàu hay nhà nghèo cũng phải uống sữa, ăn cơm, đi học, chữa bệnh thì cùng phải nộp VAT cả” - ông Thành Long phân tích.

Các chuyên gia cũng dự báo việc tăng thuế GTGT sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, vì vậy chắc chắn sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi người dân cắt giảm chi tiêu do giá cả tăng và từ đây cũng sẽ tác động tiêu cực đến ngân sách do tiền nộp thuế từ doanh nghiệp giảm.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Hàng hóa tăng giá, việc tăng lương mất ý nghĩa

“Bên cạnh tăng VAT, Bộ Tài chính cũng đã kết hợp với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Về mặt tính toán của Bộ, khi tăng VAT thì tăng được nguồn thu cho ngân sách, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy được lợi nhuận, vốn, giảm bớt khó khăn... 

Tuy nhiên, đối với việc tăng VAT, chúng tôi mong muốn Chính phủ cân nhắc, tính toán thật kỹ bậc tăng, tăng ở ngành nào với bậc tăng nào là phù hợp để tránh tác động đến hàng hóa thiết yếu để có tính ổn định vĩ mô. Vì tăng VAT có thể khiến cho hàng hóa thiết yếu ngay lập tức tăng theo. Nó sẽ khiến cho sức mua bị giảm sút, tác động ít nhiều đến sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc tăng giá cả hàng hóa như vậy cũng làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương bình quân tối thiểu năm 2018 vừa mới được thông qua là 6,5%.

Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam: Sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

“Việc tăng thuế gián thu, cụ thể là thuế GTGT, sẽ góp phần làm tăng chi phí chung trong nền kinh tế khi người tiêu dùng cuối cùng phải chịu một khoản chi phí thuế cao hơn. Điều này dẫn tới 2 vấn đề. Một là việc tăng thuế sẽ tăng chí phí lên cả người dùng cuối cùng nhưng cũng ảnh hưởng đến kinh doanh chung của các doanh nghiệp. Vì dù là thuế gián thu nhưng khi tăng thuế thì làm tăng giá cả, chi tiêu giảm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm.

Vấn đề thứ hai, tăng thuế dẫn đến tăng thu ngân sách nhưng nếu hiệu quả sử dụng ngân sách không bù đắp được sự suy giảm từ cắt giảm chi tiêu thì có thể khiến chính sách tăng thuế không hiệu quả. Như vậy, cùng với lộ trình tăng thuế, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có những giải pháp tổng thể nhằm tăng hiệu quả sử dụng từng đồng thuế, đặc biệt tăng hiệu quả đầu tư công”. 

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Đề xuất tăng thuế là chưa thuyết phục

“Tôi thấy đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính đưa ra chưa thuyết phục, chưa đưa ra được thống kê và luận chứng cụ thể nếu tăng VAT thì bổ sung ngân sách được bao nhiều và tác động thế nào tới đời sống người dân.

Bộ Tài chính đưa ra luận chứng VAT của EU lên tới hơn 20% là không thuyết phục. Thuế VAT ở Việt Nam có cơ cấu khác với các loại thuế tương tự ở nước ngoài. Chẳng hạn Mỹ có thuế bán hàng nhưng chỉ áp dụng cho người tiêu dùng cuối cùng, còn trong quá trình sản xuất qua bao nhiêu công đoạn thì không phải trả thuế đó. Còn ở Việt Nam, mỗi công đoạn đều phải trả thuế VAT cho công đoạn đó. Nếu từ sản xuất qua tiêu dùng chỉ 1 công đoạn thì thuế chỉ 10% nhưng qua nhiều công đoạn thì số thuế thực tế sẽ lớn hơn 10%”.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: Tác động ngược đến tiêu dùng

“Hiện nay, nhiều nước hạn chế đánh thuế gián thu vì tác động vào doanh nghiệp là rất lớn, thay vào đó, họ đánh thuế trực thu, càng giàu càng phải đóng nhiều thuế. Lý do là bởi thuế gián thu không có tác dụng điều chỉnh thu nhập, hỗ trợ người nghèo chính xác như thuế trực thu.

Chúng ta đang tranh luận để tăng từng phần trăm lương, song lại tăng thuế VAT. Chưa kể, hiện Chính phủ đang chủ trương nới lỏng tín dụng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Như vậy, việc tăng thuế VAT sẽ tác động ngược đến tiêu dùng. Điều này cho thấy, cần xem lại sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ”.