Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu gây áp lực lên người nghèo

ANTD.VN - Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính đối với mặt hàng xăng dầu tạo thêm áp lực chi tiêu rất lớn đối với người dân, đặc biệt là với những người có thu nhập trung bình và thấp. 

Tăng thuế BVMT gây áp lực lên người nghèo

Là mặt hàng đầu vào của sản xuất, việc tăng thuế BVMT tất yếu dẫn đến giá xăng dầu sẽ tăng và gây nên tác động tăng giá dây chuyền trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay, việc tăng thuế BVMT thêm 1.000 đồng/lít xăng, lên kịch khung 4.000 đồng/lít xăng là quá cao. 

"Xu hướng dầu thô tăng giá đã rõ mà còn tăng thêm thuế thì lĩnh vực vận tải sẽ rất khó khăn. Và khi giá mặt hàng này tăng đến một mức nhất định, doanh nghiệp vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh giá cước. Đề nghị cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính cần thận trọng về thời gian tăng giá để không ảnh hưởng đến đầu vào của các ngành kinh tế sử dụng nhiên liệu"- ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Ở những lần điều hành xăng dầu gần đây, giá xăng dầu đã tăng khá mạnh. Do đó, nếu tăng thuế, giá xăng dầu sẽ tăng sốc.

Trong khi đó, theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc tăng thuế BVMT có thể khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% xa vời hơn. 

"Từ khi chưa có đề xuất tăng thuế BVMT lên mức trần, tôi cùng đoàn công tác đến Hải Dương, nông dân ở đây phản ánh giá thành chạy xăng cho máy nổ, máy bơm nước chi phí rất cao. Nếu giờ tăng thuế BVMT nữa thì những người lao động, đa số thu nhập trung bình hoặc thấp, công nhân sẽ sống ra sao? Trăm dâu đổ đầu tằm, người nghèo chịu hết"- ông Vũ Vinh Phú nói.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị nên thận trọng trong điều hành hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là việc kiềm chế lạm phát. Theo cơ quan này, mục tiêu lạm phát năm 2018 rất khó khăn vì giá xăng dầu có xu hướng tăng lên. Khuyến nghị này được đưa ra khi đề xuất tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính chưa được nhắc lại gần đây.

Thực tế cũng cho thấy, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã có xu hướng tăng, hoặc không tăng giá nhưng chất lượng đã giảm so với trước đây, khiến người dân lo lắng.

Chị Nguyễn Minh Thắm (Tôn Đức Thắng- Đống Đa) Hà Nội chia sẻ: "Tôi làm ở phòng vé máy bay. Mặc dù đang làm mùa cao điểm du lịch, nhưng kiếm khách giờ không dễ. Đa số khách tự đặt vé hoặc hỏi nhiều nơi, mặc cả lên xuống. Thu nhập ngày càng giảm đi.

Vậy mà các khoản chi tiêu đều không có dấu hiệu ngừng lại. Tiền học cho con, mớ rau, chai dầu ăn... đều tăng giá một cách từ từ.

Đến cả gói mì tôm, chất lượng vẫn như vậy nhưng giờ cũng lên mức 3.500-6.000 đồng/gói. Tăng thuế BVMT xăng dầu khiến giá xăng dầu tăng lên nữa thì không biết chúng tôi còn khó khăn thế nào!".

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể: Đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít xăng; Dầu diesel: Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Dầu ma dút, dầu nhờn: đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; Dầu hỏa: Đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.