Tăng giá bán vượt trần, 3 doanh nghiệp xăng dầu nói gì?

ANTĐ - Qua theo dõi việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính phát hiện 3 doanh nghiệp tăng giá bán vượt mức tối đa so với văn bản điều hành giá của cơ quan quản lý.
Tăng giá bán vượt trần, 3 doanh nghiệp xăng dầu nói gì? ảnh 1
Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến cụ thể về căn cứ pháp lý xử phạt 

Cụ thể, ngày 21-2-2014, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty Dầu khí Đông Phương (Orient Oil) điều chỉnh tăng giá bán xăng là 330 đồng/lít, dầu diezel là 260 đồng/lít. Các mức giá điều chỉnh này cao hơn mức tăng tối đa quy định tại công văn số 2254/BTC-QLG đối với xăng là 23 đồng/lít và dầu diezel là 13 đồng/lít.

Ngày 19-3-2014, Công ty TNHH MTV dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) điều chỉnh tăng giá bán xăng là 200 đồng/lít; dầu diezel là 90 đồng/lít. Mức điều chỉnh này cao hơn mức tăng tối đa quy định tại công văn số 3458/BTC-QLG ngày 19-3-2014 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu đối với xăng là 11 đồng/lít và dầu diezel là 19 đồng/lít.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng thì: “Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quy định về mức điều chỉnh giá, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu và thời gian tối đa giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu”.

Đại diện SaiGon Petro cho biết, trước đây khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, cơ quan chức năng lấy giá của Petrolimex làm gốc nhưng giá của doanh nghiệp chúng tôi luôn thấp hơn so với Petrolimex. Việc này duy trì trong một thời gian dài gây thiệt thòi cho doanh nghiệp. Mức chênh lệch chỉ 10 đồng đến 20 đồng nhưng với số lượng lớn sẽ trở thành một khoản tiền rất lớn.

Chúng tôi đã có phản ánh tới Bộ Tài chính và được biết sẽ không căn cứ theo giá của Petrolimex nữa mà sẽ lấy theo giá cơ sở để làm gốc. Theo đó căn cứ theo giá cơ sở và giá bán lẻ thực tế chênh lệch bao nhiêu để đưa ra mức điều chỉnh cụ thể.

Khi Bộ Tài chính áp dụng giá cơ sở chung và căn cứ vào chênh lệch giá bán lẻ và giá cơ sở để điều chỉnh, tại các thời điểm như đã nói ở trên, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán lẻ bằng với mức giá bán lẻ của Petrolimex. Tuy nhiên, phần điều chỉnh có cao hơn mức Bộ Tài chính yêu cầu là do trước đó doanh nghiệp đã bán giá thấp hơn Petrolimex 10 – 20 đồng mỗi lít.

Trao đối với báo chí, Đại diện PV Oil cũng cho rằng, doanh nghiệp không có sai phạm gì về giá bán lẻ và thực hiện đúng theo quy định tính giá cơ sở và giá bán lẻ của Bộ Tài chính. Về mức vượt mà Bộ Tài chính đưa ra ở trên, vị này giải thích rằng đây là do kỹ thuật tính toán giá bán lẻ giữa các doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng đã có công văn gửi Bộ về vấn đề này.

“Tại thời điểm theo yêu cầu của Bộ Tài chính, giá bán lẻ của PV Oil và một số doanh nghiệp khác thấp hơn Petrolimex khoảng 15-30 đồng/lít. Để đáp ứng yêu cầu của Bộ là các doanh nghiệp khác phải theo giá của Petrolimex thì buộc PV Oil phải tăng cao hơn để bằng Petrolimex. Chẳng hạn tại thời điểm 21-2, Petrolimex điều chỉnh tăng giá xăng hơn 300 đồng/lít nhưng PV Oil phải tăng gần 330 đồng/lít mới mới bằng được giá bán lẻ của Petrolimex là 24.510 đồng/lít. Phần chênh gần 30 đồng/lít chính là phần bù giá do doanh nghiệp bán giá thấp hơn Petrolimex trước đó”, vị đại diện này cho biết.