Sử dụng biện pháp mạnh cưỡng chế doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế

ANTD.VN - Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã thu hồi được 5.300 tỷ đồng nợ thuế, trong đó có hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuê đất thuộc diện khó đòi của một số dự án bất động sản.

Sử dụng biện pháp mạnh cưỡng chế doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế  ảnh 1Công tác thu hồi nợ thuế đang được triển khai quyết liệt 

Hàng nghìn doanh nghiệp bị cưỡng chế

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, thu hồi nợ thuế là một trong những công tác khó khăn nhất của ngành Thuế. Chính vì thế, ngay từ đầu năm, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch quản lý nợ, giao nhiệm vụ thu nợ chi tiết tới từng đội thuế, từng cán bộ để triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ theo đúng quy định, tập trung vào các đối tượng có số nợ lớn và các khoản nợ có khả năng thu.

Đến hết tháng 3-2017, Hà Nội xác định có 14 chủ đầu tư dự án còn nợ tiền sử dụng đất, với số tiền 3.242 tỷ đồng. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế nhiều năm với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đáng nói, trong số các doanh nghiệp dây dưa nghĩa vụ tài chính có những tên tuổi lớn trong ngành Xây dựng. Đa số doanh nghiệp viện dẫn lý do khó khăn về tài chính để biện minh cho tình trạng chậm nộp tiền sử dụng đất…

Để thu hồi số tiền nợ này, Cục Thuế Hà Nội đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh như cưỡng chế tài khoản và hóa đơn, công khai danh sách và số tiền nợ của các doanh nghiệp. Cụ thể, đã thực hiện cưỡng chế bằng hình thức trích tiền từ tài khoản đối với 4.454 đơn vị với số tiền nợ là 3.000 tỷ đồng; cưỡng chế hóa đơn đối với 1.886 đơn vị với số tiền nợ là 1.945 tỷ đồng.

Bị “bêu tên”, chủ đầu tư hết chây ỳ

Một điểm mới trong công tác thu hồi nợ đọng thuế năm nay là thành phố đã có sự vào cuộc quyết liệt, không chỉ đôn đốc thu hồi nợ mà còn tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ban chỉ đạo thu hồi nợ đọng đã được thành lập từ cấp thành phố xuống các quận, huyện, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước.

“Chúng tôi cũng đã yêu cầu các phòng liên quan phải thường xuyên phối hợp rà soát, lựa chọn danh sách các đơn vị là doanh nghiệp nợ trọng điểm, các chủ dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lớn để báo cáo, tham mưu UBND TP làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, đồng thời đôn đốc các đơn vị nộp ngay các khoản nợ vào ngân sách Nhà nước” - ông Nguyễn Thế Mạnh nói: “Nhiều doanh nghiệp trong danh sách công khai nợ thuế cũng như các doanh nghiệp nằm ngoài danh sách sau khi việc công bố được thực hiện đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào ngân sách Nhà nước hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất, nợ thuế”.