Sốc vì Hải Phòng thu phí cảng biển "quá nhanh, quá cao"

ANTD.VN - Để tăng thu ngân sách mỗi năm, TP Hải Phòng đã quyết định tiên phong thu phí hạ tầng cảng biển đối với doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp “sốc” vì phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng

Ước tính, với mức phí hạ tầng cảng biển mà Hải Phòng quyết định thu, mỗi năm, thành phố này sẽ bổ sung vào ngân sách 2.300 tỷ đồng. Quy định này cũng sẽ kéo theo chi phí phát sinh (lưu kho, thời gian làm thủ tục nộp phí) của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khoảng 12 triệu USD/năm. 

Doanh nghiệp sốc

Cuối năm 2016, HĐND TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 148 về thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, mức thu phí được cho là khá cao, đặc biệt với hàng hóa tạm nhập tái xuất. Cụ thể, với hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan phải chịu mức từ 2,2-4,8 triệu đồng/container từ 20 feet đến 40 feet; đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu, mức phí từ 250.000-500.000 đồng/container 20 và 40 feet. Việc áp dụng phí hạ tầng cảng biển chỉ thu với hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển nội địa không phải mất phí này.

Ngay khi quy định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng đã liên tiếp có ý kiến phản đối việc thu phí “quá nhanh, quá cao” của Hải Phòng. Ông Đào Minh Giám, Tổng thư ký Hội doanh nhân trẻ Việt Nam (VPSF) thông tin, ngày 31-12-2016, một số doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng mới được mời đến để nghe triển khai Nghị quyết 148 của HĐND TP Hải Phòng về việc thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-1-2017. 

"Nếu thực sự phải thu phí hạ tầng cảng biển thì cần phải làm rõ với cộng đồng doanh nghiệp"

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Tại đây, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, 100% doanh nghiệp Nhật Bản có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hải Phòng đã bị sốc khi được thông tin về quyết định thu phí hạ tầng cảng biển của thành phố này.

“Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét đình chỉ Nghị quyết 148 của HĐND TP Hải Phòng. Nếu thực sự phải thu phí hạ tầng cảng biển thì cần phải làm rõ với cộng đồng doanh nghiệp”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ. 

Theo tính toán của Tổng Công ty May 10, với số hàng xuất nhập khẩu tương đương năm 2016, trong năm 2017, phí hạ tầng cảng biển mà Tổng Công ty phải nộp cho Hải Phòng là gần 2,2 tỷ đồng.

“Doanh nghiệp khẳng định, phí mà TP Hải Phòng thu theo Nghị quyết 148 đã nằm trong các loại phí xuất khẩu. Doanh nghiệp đã phải nộp cho thành phố thông qua các công ty vận chuyển, công ty kinh doanh cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển”, ông Bạch Thăng Long, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho hay.

Cần đánh giá tác động toàn diện

Từ ngày 1-1-2017, Cục Hải quan Hải Phòng yêu cầu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải bổ sung trong hồ sơ biên lai lệ phí hạ tầng cảng biển thì mới được thông quan. Dù ngay sau đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Cục Hải quan Hải Phòng chỉ đạo không được yêu cầu doanh nghiệp nộp hoặc xuất trình các chứng từ, giấy tờ khác ngoài các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan. Nhưng, khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, 100% đều phản ánh, doanh nghiệp vẫn phải trình biên lai phí hạ tầng cảng biển thì mới được giải phóng hàng hóa. 

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc, xem xét những tác động của chính sách trên và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền của Hải Phòng giải trình về các căn cứ đưa ra các mức phí tại Nghị quyết 148, trong đó có đánh giá tác động một cách toàn diện các đối tượng chịu tác động. Nếu không giải trình hợp lý, đề nghị giữ nguyên các mức phí trước thời điểm Nghị quyết 148 có hiệu lực.

Trong trường hợp giải trình hợp lý về việc ban hành Nghị quyết 148, phía VCCI đề nghị kéo giãn thời gian chuyển tiếp áp dụng quy định mới này, ít nhất là 6 tháng, để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị, tránh các tác động bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 13-2, liên quan tới sự việc này, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin, Bộ đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Bộ GTVT cho rằng, cần phải xem xét cụ thể công trình hạ tầng cảng biển đó do TP Hải Phòng bỏ vốn đầu tư xây dựng hay do Nhà nước xây dựng. Trong trường hợp Hải Phòng chỉ bỏ một phần thì tỷ lệ phần trăm là bao nhiêu… để căn cứ vào đó xác định mức thu phí. “Nếu hạ tầng đó do TP Hải Phòng đầu tư thì địa phương này hoàn toàn có quyền được thu phí”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay.