Siêu thị đầy hàng, người mua thưa vắng

ANTD.VN - Trái ngược với cảnh một số siêu thị, cửa hàng tiện ích ùn ùn người mua sắm trong trưa, chiều 31-3, hai ngày đầu tháng 4, những điểm bán hàng này lại vắng khách.

Không còn phải chen lấn mua hàng, người dân giữ khoảng cách để phòng Covid-19

Tại Vinmart+ ở phố Trúc Khê (Đống Đa), người mua giảm mạnh so với các ngày trước đó. Các kệ hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, gạo còn rất nhiều hàng để bán cho khách.

Chị Nguyễn Kim Chi (khách hàng tại đây) cho biết: “Hôm trước đông quá, tôi ra định mua thực phẩm dùng cho 2-3 ngày nhưng lại về, không dám chen lấn vì sợ lây bệnh. Hơn nữa cũng có lúc hàng bị thiếu. Hôm nay thì vắng, hàng hóa dồi dào”.

Tương tự, tại siêu thị Big C Thăng Long, khách hàng mua trực tiếp không đông, không có cảnh xếp hàng chờ thanh toán. Một nhân viên tại siêu thị cho hay: “Trưa và chiều hôm trước khách hàng tăng đột biến. Hôm nay lại vắng khách mua trực tiếp. Tuy nhiên, khách đặt hàng online, vận chuyển tận nhà khá nhiều”.

Tại hệ thống siêu thị Co.op Food, Coopmart (Hà Đông), lượng khách hàng đến giảm mạnh so với ngày những ngày trước. Hàng hóa thiết yếu phong phú, tươi ngon. Đáng chú ý, giá thịt lợn tại hệ thống siêu thị này đã giảm đáng kể.

Cụ thể, thịt nạc vai giảm từ 173.000 đồng xuống 138.400 đồng/kg, thịt nạc xay giảm từ 159.000 đồng/kg xuống 111.300 đồng/kg, thịt lợn vai có giá 106.400 đồng/kg thay vì mức 152.000 đồng/kg…

Theo bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ứng phó với dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn đã dự trữ lượng hàng hóa trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường, đảm bảo dự trữ tối thiểu trong 3 tháng của quý II/2020 với tổng trị giá hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng với 17 mặt hàng.

“Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong 3 tháng. Các doanh nghiệp cũng chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của thành phố Hà Nội vẫn mở cửa hoạt động bình thường và dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng”- đại diện Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Lý giải hiện tượng người dân ùn ùn đi mua hàng tích trữ vừa qua, một chuyên gia thị trường cho rằng, do ngày 31-3 có quyết định cách ly toàn xã hội, nhiều người dân chưa hiểu rõ việc này nên hoang mang, lo lắng và đổ xô đi gom hàng tích trữ, dẫn đến thiếu hàng cục bộ và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch.

“Sang ngày 1-4, lượng người đến siêu thị, chợ giảm dần, một phần vì họ đã tích trữ hàng hóa từ trước, một phần vì người dân tuân thủ khuyến cáo hạn chế ra ngoài. Chỉ 2-3 ngày nữa hoạt động mua sắm tại các chợ, siêu thị lại trở lại quy đạo như những ngày qua, dù vẫn thưa vắng hơn so với trước khi có dịch Covid-19”- vị chuyên gia dự báo.

Thực tế cho thấy, người dân Hà Nội đã không ít lần đi mua hàng hóa dự trữ từ khi có dịch Covid-19. Tuy nhiên, chưa lúc nào xảy ra tình trạng hết hàng tiêu dùng thiết yếu kéo dài, gây đảo lộn cuộc sống của người dân. Chợ, siêu thị, các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu vẫn mở cửa hoạt động.

Đây cũng là lý do khiến tình trạng chen lấn mua hàng, gây thiếu hàng cục bộ chỉ diễn ra ở một số khu vực, chứ không phải trên toàn thành phố trong những ngày qua. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, lo lắng, tích trữ hàng hóa mà làm giá cả thị trường hỗn loạn, nguy cơ lây bệnh cao hơn.