Sẽ xuất hiện những "đầu tàu", động lực kinh tế mới

ANTD.VN - Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam cũng như cho ý kiến về xây dựng 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc tại kỳ họp cuối năm 2017 vừa qua, dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ rất sáng sủa với sự xuất hiện của những “đầu tàu” mới.

Đây là nhận định của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo An ninh Thủ đô nhân dịp đầu Xuân mới.

Sẽ xuất hiện những "đầu tàu", động lực kinh tế mới ảnh 1ĐBQH Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

- Thưa PGS, ông dự báo thế nào về bức tranh kinh tế năm 2018 của nước ta?

- Chúng ta triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trong bối cảnh có rất nhiều thuận lợi, song khó khăn cũng không ít. Hàng loạt vấn đề chúng ta sẽ phải chủ động đối mặt và giải quyết, đó là diễn biến kinh tế chính trị trên thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, áp lực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thách thức về an ninh mạng hay biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp… 

Tuy nhiên, trong 2 năm 2016-2017 vừa qua, nền kinh tế nước ta có nhiều khởi sắc, nhất là năm 2017. Các chỉ tiêu về kinh tế, tài chính, ngân sách đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong khi môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện, nhất là tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính đang được lan tỏa. Tất cả tạo nên tiềm lực, sức bật rất thuận lợi cho phát triển kinh tế năm 2018 cũng như thời gian tới. Tôi tin tưởng bức tranh kinh tế - xã hội năm 2018 của nước ta sẽ sáng sủa, thuận lợi hơn nhiều.

- Ông có nhắc đến vấn đề năng lực cạnh tranh quốc gia, vậy chỉ số này của Việt Nam hiện ở mức nào và khả năng cải thiện trong năm 2018 ra sao?

- Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đang xếp thứ 55, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh xếp hạng 68 thế giới. Điều này cho thấy chúng ta đã có bứt phá rất lớn. Đây là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2018. Song tất nhiên chúng ta chưa thể hài lòng với kết quả đó mà cần tiếp tục cải thiện mạnh hơn nữa nếu muốn tạo được sự bứt phá về kinh tế.

- Để tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp thì năm 2018, đâu là các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ cần tập trung, thưa ông?

- Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cần phải tiếp tục được đẩy mạnh. Các động lực mới của nền kinh tế, chẳng hạn như cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV cần phải được quan tâm, tập trung thực hiện vì TP.HCM hiện đóng góp tới 22% GDP của cả nước. Cùng đó, các địa phương cần tập trung hoàn thiện đề án 3 đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2017 gồm Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang … Từ đó, chúng ta sẽ tạo ra các “đầu tàu” mới, động lực mới của nền kinh tế. Chính phủ minh bạch, kiến tạo sẽ kéo “đoàn tàu” kinh tế cả nước đi lên nhanh hơn, bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. 

Dù vậy, yếu tố quyết định để tạo ra đột phá cho nền kinh tế vẫn phải là yếu tố thể chế, cụ thể là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải được hoàn thiện, đồng bộ hơn, thúc đẩy kinh tế tư nhân. Thứ hai là kết cấu hạ tầng phải tiếp tục được hoàn thiện, đồng bộ.  Yếu tố thứ ba là nguồn nhân lực, công tác cán bộ. 

- Nói về thể chế, vừa qua, hầu hết các bộ, ngành đều cắt giảm mạnh thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tiến trình này sẽ tiếp tục như thế nào trong năm nay, thưa PGS?

- Cắt giảm thủ tục rất cần thiết nhưng cũng phải hết sức cẩn trọng, tránh tình trạng nay cắt rồi nhưng mai xem xét lại thấy không ổn. Ở các nước cũng vậy, điều kiện kinh doanh họ quy định rất chặt chẽ, chẳng hạn muốn mở một quán phở thì ngoài mặt bằng, hộ kinh doanh cần phải có các hạng mục đi kèm như chỗ gửi xe ra sao... Vấn đề là phải minh bạch, đề ra các thủ tục gì phải hợp lý, thuận lợi và thời gian giải quyết phải nhanh chứ không phải chỉ là tập trung giảm bớt. Thế nên, các bộ, ngành, đơn vị cần tiếp tục rà soát cắt những thủ tục không cần thiết và cái cần thiết vẫn phải giữ để đảm bảo hài hòa lợi ích. Tôi cho rằng việc cắt giảm cần được thẩm định, kiểm tra chặt chẽ.

Sẽ xuất hiện những "đầu tàu", động lực kinh tế mới ảnh 2Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2018 của Việt Nam dự báo sẽ sáng sủa, thuận lợi hơn nhiều

- Là một chuyên gia kinh tế, ông dự báo lãi suất cho vay năm 2018 sẽ diễn biến như thế nào?

- Chúng ta đang hướng đến hạ lãi suất. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các yếu tố có thể tác động tới lãi suất như giá xăng dầu đang biến đổi liên tục, giá lương thực thực phẩm cũng có xu hướng tăng lên… Các yếu tố này sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dự báo sẽ tăng nhẹ so với năm 2017. Do vậy, dù Chính phủ đang cam kết điều hành lãi suất theo xu hướng giảm nhưng giảm ở mức độ nào thì phải tùy thuộc vào thực tiễn.

- Nợ công đang là mối lo rất lớn, theo ông trong năm 2018, lĩnh vực này liệu có được cải thiện? 

- Quản lý nợ công là vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt suốt thời gian qua. Trong bối cảnh số nợ phải trả của nước ta hàng năm ngày càng lớn, ngược lại một số khoản thu lại ngày càng giảm nên không có cách nào khác hơn là phải siết chặt, giảm ngay các nguồn chi. Trước mắt, phải giảm các nguồn chi thường xuyên, cụ thể phải tinh gọn bộ máy. Các khoản vay và cho vay lại đều phải cắt giảm, nguồn vốn ODA cũng giảm dần. Riêng chi đầu tư phát triển thì chúng ta đang siết lại, kéo giảm bội chi ngân sách xuống mức chỉ còn 3,5%... Do vậy, việc triển khai Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) chắc chắn sẽ có tác động lớn đến đời sống và nâng cao hiệu quả quản lý nợ công của nước ta.

- Theo các phân tích của ông, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,5-6,7% mà Quốc hội giao có phải là thách thức?

- Chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-6,7% trong bối cảnh nước ta hiện nay là nằm trong khả năng. Vấn đề là phải tháo gỡ được các điểm nghẽn của nền kinh tế như nợ xấu, nợ công, hệ thống tín dụng, các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài… để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn. 

- Xin cảm ơn ông!