Sắp "cởi trói" cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm?

ANTD.VN - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đang kiến nghị Chính phủ bãi bỏ Nghị định số 87/2016/NĐ-CP ngày 1-6-2017 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.

Tháo gỡ rào cản trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Bộ KH-CN đang dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Theo đó, Bộ này kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn Nghị định số 87/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Ngay trước thời điểm có hiệu lực, Nghị định đã nhận được nhiều ý kiến góp ý trái chiều của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Thậm chí, nhiều ý thẳng thắn đề nghị bỏ các quy định này.

Ví dụ, Nghị định 97 quy định, doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm, điều kiện về cơ sở vật chất được quy định là có diện tích mặt bằng phù hợp với quy mô sản xuất; Có kho chứa phù hợp để bảo đảm việc kiểm soát chất lượng của vật tư. Về thiết bị sản xuất, doanh nghiệp phải có đủ thiết bị ép vỏ mũ, ép lớp hấp thụ xung động (mút xốp), thiết bị dập đinh tán và các công cụ khác…

Các doanh nghiệp này còn phải có hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của mình hoặc đồng sở hữu, hoặc có giao kèo tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng kinh tế; Các đại lý, cửa hàng này còn phải có địa chỉ rõ ràng, có biển hiệu treo ở vị trí dễ quan sát…

Theo các chuyên gia của CIEM, các điều kiện này được ban hành hướng không khuyến khích tạo ra chuỗi sản xuất, không khuyến khích chuyên môn hóa. Điều này trái với xu hướng kinh doanh hiện đại, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp đứng tước nguy cơ đóng cửa.

Trong khi đó, tại thời điểm ban hành, liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới đường bộ, Bộ KH-CN (đơn vị chủ trì soạn thảo) đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, từ quy định về chất lượng, quản lý trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối mũ bảo hiểm, trách nhiệm của người sử dụng...

Góp ý cho dự thảo này, VCCI cũng đã cho rằng, mục tiêu chính của việc soạn thảo Nghị định này là hạn chế mũ bảo hiểm kém chất lượng, đặc biệt là mũ giả mạo (nêu trong dự thảo Tờ trình Chính phủ). Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng sản phẩm lượng không nên và cũng không thể chỉ bằng các điều kiện kinh doanh mà cần thực hiện chế độ hậu kiểm một cách hiệu quả, thực chất, bằng nhiều biện pháp như quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra…

Để thúc đẩy sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng trong xã hội thì không chỉ kiểm soát chất lượng mà phải gắn với các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc sử dụng mũ đạt chất lượng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Cũng cần nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan đến mũ bảo hiểm kém chất lượng không thể được giải quyết chỉ bởi nghị định này mà cần biện pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau.

“Do đó, không thể vì các biện pháp khác chưa đạt hiệu quả mà thắt chặt việc sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm. Điều này có thể dẫn đến khả năng gia nhập thị trường kinh doanh mũ bảo hiểm của doanh nghiệp, nhà đầu tư trở nên khó khăn hơn, từ đó dẫn đến nguy cơ gia tăng hàng giả, hàng nhái hoặc mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Dường như dự thảo chưa có nhiều quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhiều điều kiện kinh doanh thiên về kiểm soát chặt chẽ quá mức cần thiết mà chưa bảo đảm tính hợp lý, minh bạch và khả thi”- VCCI nêu quan điểm.