Sản xuất cái gì cũng phải nghĩ tiêu thụ ở đâu, bán cho ai?

ANTD.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương cần nghiên cứu kỹ ngành hàng, sản phẩm để sản xuất, xuất khẩu có giá trị cao, nhằm tránh tình trạng dư thừa, cung vượt cầu. 

Xuất khẩu dệt may tiếp tục tăng trưởng cao

Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu đã diễn ra sáng nay (23-4) tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, trong đó có sự đóng góp của xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu đạt 214 tỷ USD.

Một số ngành như: công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp và một số mặt hàng, địa phương đã tìm được lối đi, cách làm hiệu quả...

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu còn nhiều tiềm năng chưa khai thác được do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Thủ tướng yêu cầu: "Sản xuất sản phẩm nào cũng cần phải nghĩ xem tiêu thụ ở đâu, bán cho ai? Cần sản xuất cái mà thị trường cần, đừng sản xuất cái mà chúng ta có. Đừng để dư thừa.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm của Việt Nam có chất lượng chưa đồng đều, trước tốt, sau xấu, ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam. Chất lượng sản phẩm phải tốt, bao bì đẹp thì mới xuất khẩu được".

Theo Thủ tướng, Việt Nam hiện đã tham gia ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tham gia đàn phán một số hiệp định khác. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã được đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường nên các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần khai thác cơ hội xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, bên cạnh việc tháo gỡ rào cản, đưa ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thì các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần có giải pháp để gia tăng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, tham gia vào chuỗi phân phối toàn cầu...

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2017, Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD, tăng 31,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỷ USD, tăng 36,8%).

Nhóm hàng nông, thủy sản có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5%, hạt điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23,8%,... 

Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tiếp tục chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 2%) và đạt mức tăng 25,9% so với năm 2016 nhờ hưởng lợi từ giá xuất khẩu tăng.

Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD.

Đáng chú ý, tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Với việc đầu tư cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu, đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã được cải thiện rất rõ. Nếu như năm 2000 tỷ lệ nội địa hoá mới khoảng 15-17% thì đến năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã đạt trên 50%. Không những phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, ngành dệt may còn xuất khẩu được nguyên phụ liệu (xơ, sợi dệt các loại có kim ngạch xuất khẩu tăng 22,7%).

Đối với điện thoại, tỷ lệ nội địa hóa cũng đang được cải thiện, với trên 200 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trương Văn Cẩm- Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 toàn ngành đạt trên 31 tỷ USD nhưng ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Đó là việc thiếu nguyên liệu để sản xuất, chủ yếu phải nhập khẩu từ bên ngoài. Tỷ lệ giá trị gia tăng của xuất khẩu dệt may mới đạt 50%. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn khách quan cũng tác động đến ngành.

Năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là xu hướng bảo hộ thương mại đang quay trở lại. Thực tế này đòi hỏi các Bộ, ngành địa phương tiến hành đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu.

Đề nghị điều tra, khởi tố vụ "cà phê nhuộm than pin"

Về quản lý chất lượng sản phẩm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, “cơ bản sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt thì mới xuất khẩu được như thế nhưng đâu đó, còn mấy con sâu làm rầu nồi canh”, nhất là một số vụ việc gần đây khiến dư luận xã hội bức xúc như cà phê nhuộm than pin. Với trường hợp này, Thủ tướng cho biết đã đề nghị điều tra, khởi tố nghiêm túc đối với các đối tượng liên quan. “Chất lượng cần làm bài bản, nghiêm túc. Nếu chúng ta không tăng cường quản lý chất lượng thì chúng ta sẽ mất uy tín”, Thủ tướng nói.