Sàn thương mại điện tử ngừng chính sách đồng kiểm, khách hàng dễ bị lừa khi mua online

ANTD.VN - Phản ánh tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương), nhiều người tiêu dùng khiếu nại việc mua hàng trên một số sàn thương mại điện tử (TMĐT), khi nhận hàng không đúng như nội dung quảng cáo. 

Nhiều người bán hàng online bán hàng kém chất lượng

Theo cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, một số khách hàng của Lazada.vn đã khiếu nại về tình trạng “đặt hàng một đằng, nhận hàng một nẻo”, hàng nhận không đúng như quảng cáo trên sàn TMĐT. Khi liên hệ với Lazada.vn, khách hàng nhận được giải thích giao dịch này nằm ngoài hệ thống của Lazada.vn nên không được hưởng chính sách trả hàng - hoàn tiền, khiến họ rất bức xúc.

Anh Nguyễn An, một khách hàng gặp phải tình trạng trên, cho biết: “Sau khi tôi đặt hàng, đã có người xác nhận lại là đúng tên, địa chỉ, điện thoại, sản phẩm để thông báo giao hàng, nhưng khi nhận hàng không đúng, khiếu nại lại không được”. Đáng chú ý là tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến. Trước đó, một số khách hàng mua hàng từ Shopee.vn cũng gặp rủi ro trên.

Đại diện Cục CT&BVNTD cho rằng, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo được thực hiện bởi người bán hàng trên sàn TMĐT. “Cụ thể, sau khi tiếp nhận đơn hàng, nhà bán hàng sẽ tự ý hủy đơn hàng, sau đó tự liên hệ với người tiêu dùng để giao một sản phẩm khác”- đại diện Cục CT&BVNTD cho hay. 

Phản hồi về vụ việc nêu trên, sàn TMĐT cho biết, trong những trường hợp trên, mã đơn hàng giao đến người tiêu dùng không giống với mã đơn hàng trên sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển cũng không phải đơn vị vân chuyển liên kết của sàn TMĐT. Do đó, khách hàng không được đảm bảo quyền lợi.

Thực tế cho thấy, từ tháng 3-2019, một số sàn TMĐT tại Việt Nam như Lazada.vn, Shopee.vn đồng loạt ra thông báo ngừng cung cấp dịch vụ đồng kiểm khi nhận hàng. Điều này cũng đồng nghĩa, người mua hàng chỉ được kiểm tra hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ cho nhân viên giao hàng, vô hình trung khiến không ít người dùng cảm thấy hoang mang trước nguy cơ bị lừa đảo khi mua hàng trên các sàn TMĐT. Lợi dụng chính sách này, một số gian thương đã sử dụng các chiêu trò tinh vi để lừa đảo người mua hàng.

Cục CT&BVNTD khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nhận hàng khi trạng thái đơn hàng trên trang web là "Đang giao hàng", không nhận hàng khi trạng thái đơn hàng là "Đã hủy", "Đang lấy hàng"...

Khi nhận hàng, khách hàng cần kiểm tra mã đơn hàng. Mã trên gói hàng phải khớp với mã đơn hàng trên trang web/email xác nhận đặt hàng; Kiểm tra xem đơn vị vận chuyển có đúng là đơn vị được sàn thương mại điện tử liên kết hay không; Kiểm tra xem hình ảnh vận đơn trên kiện hàng có đúng mẫu do sàn TMĐT phát hành hay không.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lưu ý xem xét kỹ nhà bán hàng trước khi đặt mua (các phản hồi của người mua trước; cửa hàng tư vấn tận tình, không hối thúc; giá cả không quá thấp so với thị trường...) để tránh rủi ro.

Theo Cục CT&BVNTD, 8 tháng đầu năm 2019, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng chiếm tỷ lệ cao (12%).

Các hành vi này chủ yếu liên quan đến việc giao hàng chậm, số lượng, chất lượng hàng không đúng như nội dung quảng cáo, trong đó, phần lớn giao dịch liên quan của người tiêu dùng được thực hiện thông qua các sàn TMĐT hoặc qua mạng xã hội.