Sách điện tử loay hoay chống hàng giả

ANTĐ - Trong khi lận đận tìm đường cạnh tranh với sách in, sách điện tử (ebook) còn loay hoay đối mặt với nạn sách lậu vi phạm bản quyền. Chừng nào người đọc vẫn dễ dàng đọc các tác phẩm không rõ xuất xứ tràn lan trên mạng, các nhà phân phối sách điện tử còn chịu lỗ dài.  

Sách điện tử loay hoay chống hàng giả ảnh 1Sách điện tử được chào bán với giá chỉ bằng 1/3 sách in nhưng vẫn không đắt khách

Tâm lý đọc “chùa”

Nói là sách lậu nhưng thực chất đó là những đoạn văn bản hay thậm chí hình chụp một cuốn sách được tung lên mạng không rõ nguồn gốc. Thậm chí nhiều trang web chia sẻ truyện, tác phẩm văn học ăn khách được xây dựng để người truy cập mạng có thể đọc thoải mái mà không mất phí. Bất chấp những lỗi sai sót của những “ấn bản” này, người đọc vẫn thích “đọc chùa” hơn là bỏ ra vài chục nghìn để mua một cuốn sách điện tử. 

Thực tế cho thấy, chỉ cần bỏ số tiền bằng 1/3 giá trị sách in là người đọc có thể sở hữu một cuốn sách điện tử. Tuy nhiên, cũng giống như nghe nhạc trực tuyến, người đọc Việt Nam gần như không có thói quen sử dụng các phần mềm phải trả tiền. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc “tuyên chiến” với sách điện tử lậu và thiệt hại không nhỏ cho các công ty phân phối sách trực tuyến khi chẳng ai muốn sản phẩm vừa mới ra lò đã bị tùy tiện lấy lại, phát tán tràn lan trên mạng. Và với lượng truy cập vài trăm nghìn người, lợi nhuận được hưởng đương nhiên là chủ các website, diễn đàn. 

Có thể nói, ngoài chăm lo mảng sách in, hiện nhiều đơn vị xuất bản trong cả nước như NXB Trẻ, Nhã Nam, Alpha Books, Quảng Văn… đã bắt tay với các đơn vị phân phối sách trực tuyến để số hóa các ấn phẩm của mình nhằm mở rộng thị trường, tiếp cận với đa dạng đối tượng độc giả. Tuy nhiên, nạn sách lậu nhức nhối khiến các đơn vị xuất bản có thương hiệu cũng ngần ngại. Điển hình, hai tác phẩm “Rừng Nauy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót” của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami được công ty Nhã Nam mua bản quyền vừa ấn hành thì ngay lập tức đã xuất hiện trên một trang web là e-books.com. Bởi vậy, chưa thấy đầu ra từ ebook có bản quyền, các nhà xuất bản đã phải gồng mình bảo vệ sách in trước “cơn bão” hàng giả. 

Sách điện tử loay hoay chống hàng giả ảnh 2Người đọc Việt Nam dường như chưa có thói quen chi trả cho những đầu sách có bản quyền

Giảm giá vẫn không đắt 

Trong cuộc chiến với sách điện tử lậu, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ từng khẳng định, giá sách rẻ sẽ là chìa khóa cạnh tranh tối ưu. Trong đó, nhiều cuốn được bán với giá chỉ 5.000 - 10.000 đồng/bản, thậm chí 1.000 đồng/bản – tức là không thể rẻ hơn được nữa nhằm lôi kéo người đọc đến với sách có bản quyền mà quay lưng với những sản phẩm giả trên mạng. Alezaa – nhà sách điện tử đầu tiên ở Việt Nam với trên 10.000 tựa sách và tạp chí cũng đưa ra lời chào mời hấp dẫn, độc giả chỉ cần bỏ ra 1.000 đồng/ngày để đọc và tải sách với số lượng tùy thích.

Không biết hiệu quả của phương pháp này đến đâu, chỉ biết là dù có giảm giá hết cỡ, thậm chí là miễn phí nhiều đầu sách thì độc giả cũng chưa  mặn mà với sách điện tử có bản quyền. Ngoài thói quen đọc sách như đã nói ở trên, những thủ tục rườm rà như đăng nhập, tạo tài khoản, cùng các hình thức thanh toán khá phức tạp cũng là những cản trở khiến người đọc “lười” tìm đến sách thật. 

Trong khi đó, chúng ta chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ bản quyền sách điện tử - một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Mặc dù Luật Xuất bản đã quy định các đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử phải có thiết bị, phần mềm kỹ thuật để chống sự sao chép, thay đổi của các xuất bản phẩm nhưng dù có ba đầu sáu tay, các đơn vị phân phối sách điện tử cũng đành “đầu hàng”, bởi việc chia sẻ và phát tán sách điện tử lậu chưa có hình thức xử phạt thỏa đáng. 

Một khi bản quyền ebook bị coi nhẹ hơn bản quyền sách in, còn người đọc vẫn chưa có thói quen chi trả xứng đáng cho những sản phẩm trí tuệ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thì các đơn vị xuất bản vẫn phải “ăn đong”, chấp nhận chịu lỗ để tung ra những ấn phẩm siêu rẻ, được đồng nào, hay đồng nấy.