Rủi ro lớn, nông nghiệp khó hút đầu tư

ANTD.VN - Dù Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp liên tục có chính sách “trải thảm” để mời gọi các doanh nghiệp tăng đầu tư, nhưng đến nay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn quá khiêm tốn. Một trong những lý do hàng đầu là đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao. 

Rủi ro lớn, nông nghiệp khó hút đầu tư ảnh 1Xuất khẩu 3 tỷ USD tôm/năm, nhưng Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ tôm giống bố mẹ 

1% doanh nghiệp tham gia đầu tư

Theo số liệu thống kê của Bộ KH-ĐT, trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước có khoảng 91.000 doanh nghiệp mới thành lập, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chỉ có 1.342  doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ quá khiêm tốn. Năm 2007, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là 2.400, năm 2015 tăng lên 3.640 và 9 tháng đầu năm 2016 là 4.100. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp có tăng qua các năm nhưng mức tăng quá chậm và nhỏ so với các lĩnh vực khác. “Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế và thiếu ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 55%” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết. 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách phát triển Nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) thông tin, đất đai và tín dụng là những rào cản chính của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, về đất đai có đến 63% doanh nghiệp kêu khó khăn, 46%  rất khó khăn; về tín dụng, có đến 70% doanh nghiệp kêu khó khăn khi tiếp cận. Các lĩnh vực khác như bảo hiểm cũng có đến 82,5% doanh nghiệp chưa tiếp cận được; KHCN có 77% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách. 

Ngoài ra, rất ít doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp dựa vào việc khai thác nguồn lực tự nhiên như đất đai, nước, chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng KHCN, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Trong khi đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp, chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.

Chính sách nhiều nhưng thiếu khả thi

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, năng suất lao động của nông dân Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, nông dân khó làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình. Mặc dù ngành nông nghiệp có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển, nhưng đến nay mới chỉ có một số ngành hàng có quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi như sữa, trứng gia cầm, cá, thủy sản. Còn lại sản xuất vẫn cơ bản manh mún, thực phẩm thiếu an toàn khiến người dân bất an. “Chính sách dành cho ngành nông nghiệp nhiều nhưng không thiết thực. Hơn nữa, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương chưa tốt. Một quốc gia xuất khẩu tôm hàng năm thu về 3 tỷ USD nhưng không có hiệp hội để liên kết nhau lại, tôm giống hàng năm vẫn phải nhập khẩu”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhìn nhận.

Đồng tình với nhìn nhận của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) nói: “Là một quốc gia nông nghiệp, có nhiều viện nghiên cứu, nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng giống cây trồng hầu hết phải nhập khẩu. Để kiểm soát theo hệ thống từ khâu trồng, chế biến đến xuất khẩu, chúng tôi phải nhập khẩu cả giống cây chanh leo, ngô ngọt, rau chân vịt của Đài Loan (Trung Quốc) về trồng”.

Bên cạnh sự tụt hậu về giống cây trồng, vật nuôi thì nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp cho rằng, cần có chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, vì đa phần đất đai nông nghiệp còn chia cắt, không xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung. Bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH cho rằng, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành cần lựa chọn ngành hàng chủ lực để đưa ra các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn thì mới kiểm soát được chất lượng và tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Cần thành lập những vùng nông sản tập trung, chọn ngành hàng ưu tiên từ lợi thế của vùng để cạnh tranh với thế giới, tạo ra những thương hiệu nông sản có tính chất vùng miền.