Rau đắt như... thịt

(ANTĐ) - Sau khoảng thời gian ngắn chững lại, giá rau xanh mấy ngày qua tại các chợ dân sinh ở Hà Nội lại bắt đầu đội lên. Dù theo cơ quan quản lý, nguồn cung rau xanh không suy giảm so với trước đó.

Rau đắt như... thịt

(ANTĐ) - Sau khoảng thời gian ngắn chững lại, giá rau xanh mấy ngày qua tại các chợ dân sinh ở Hà Nội lại bắt đầu đội lên. Dù theo cơ quan quản lý, nguồn cung rau xanh không suy giảm so với trước đó.

Tăng giá vì rét đậm?

Kể từ đợt rét đậm, rét hại đầu tiên xuất hiện trong năm (ngày 15-12) đến nay, giá rau, củ quả tại các chợ dân sinh đã tăng khá cao, từ 15-20% so với vài tuần trước đó. Lý do tăng được các tiểu thương cho rằng, do rét đậm, rét hại, sương muối xuất hiện làm chậm quá trình sinh trưởng của cây rau, dẫn đến nguồn cung khan hiếm.

Chị Hồng ở khu tập thể Kim Liên cho biết, chỉ một thời gian ngắn giá rau xanh tạm chững lại thì mấy ngày nay, giá rau lại bắt đầu đội lên từng ngày. Giá rau cải ngọt tăng lên khoảng 10.000 đồng/kg, cải ngồng từ 15.000-20.000 đồng/kg, cải thảo từ 8.000-10.000 đồng/kg, và bắp cải từ 5.000-7.000 đồng/kg, rau cần từ 5.000-8.000 đồng/bó... Các loại rau gia vị như hành, mùi, húng... cũng tăng. Chị Hồng cho biết, nhất là vào dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, người dân có nhu cầu tiêu dùng rau xanh nhiều, các tiểu thương càng được dịp tăng giá.

Rau xanh tăng giá dù nguồn cung dồi dào
Rau xanh tăng giá dù nguồn cung dồi dào

Dễ nhận thấy, càng về cuối năm, tiểu thương buôn bán tại các chợ dân sinh tỏ ra rất “nhạy bén” với thị trường và những thay đổi của thời tiết. Thường xuyên vin vào những lý do rất “chính đáng” như giá rét, mưa ngập, khô hạn... khiến nguồn cung khan hiếm để đẩy giá lên cao.

Trong khi, hầu hết người tiêu dùng cũng chỉ biết chấp nhận. “Họ bảo giá rét rau khó lên, lượng rau lấy về giảm thì giá phải tăng, người tiêu dùng như chúng tôi cũng chỉ biết chấp nhận. Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, không thể vì tăng giá mà không ăn rau được”, chị Hồng bức xúc. Tuy nhiên, chị cũng thắc mắc, các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ ở chợ cứ vin vào thời tiết giá rét, song tôi thấy đợt rét đậm vừa qua cũng không đến nỗi bất thường, nhiệt độ đâu xuống mức quá thấp như mọi năm.

Đại diện Sở NN&PTNT nhận định, nguồn cung rau xanh trên địa bàn thành phố không hề suy giảm bởi ảnh hưởng của đợt rét đậm xuất hiện hồi giữa tháng 12 vừa qua. Hiện, lượng cung rau, củ quả từ các vùng trồng rau lớn, tập trung như Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm... vẫn dồi dào, đa dạng về chủng loại như các loại rau cải, bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua... Cũng theo nhận định từ phía Sở này, nguồn cung rau xanh cho thị trường Thủ đô từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ dồi dào, không khan hiếm, nếu có sự tăng giá đột biến trên thị trường là do các tiểu thương tự ý đẩy giá.

Bó tay với chợ dân sinh?

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm HTX Phương Bản, Song Phương, Đan Phượng cho biết, so với 1 tháng trước - thời điểm giá rau xuống mức rẻ nhất, thì hiện tại, giá rau xanh được người nông dân bán tại đây vẫn không hề tăng. Ông Hải nói: “Gần 1 tháng nay, giá rau xanh vẫn rẻ như “bèo”, vào vụ thu hoạch chính rau vụ đông, nên lượng rau đã đến lứa thu hoạch còn tồn rất nhiều trên đồng vì tiêu thụ chậm”.

Vùng rau Song Phượng chủ yếu chuyên canh rau bắp cải và su hào. Vì giá rau quá rẻ, trong khi phân bón, thuốc trừ sâu lại tăng, nên hiện tại, những ruộng bắp cải, su hào đã đến lứa thu hoạch mà vẫn còn ngổn ngang trên đồng.

Theo đó, hiện tại, giá bắp cải được nông dân ở Phương Bản bán từ 1.300-15.00 đồng/kg, su hào từ 1.200-1.700 đồng/củ. “Cặm cụi từ sáng sớm trên ruộng rau, rồi lại tất tưởi mang đi chợ bán. Cả xe rau nặng mới thu về được trăm nghìn đồng, thử hỏi ai còn thiết tha”, ông Hải thở dài.

Với mức giá quá thấp như trên, khi nhận được thông tin, giá rau ở các chợ dân sinh những ngày qua lại tăng với lý do giá rét, rau chậm phát triển khiến nguồn cung khan, ông Hải than thở: “Lý do của họ không đúng sự thật. Mới lạnh như vậy, lại không kéo dài, nếu có bị ảnh hưởng cũng không đáng kể gì. Họ làm như vậy chỉ khổ nông dân. Rau rẻ, không tiêu thụ được lại bị tiếng bán rau đắt”.

Có thể thấy, việc bình ổn giá cả thị trường của các ngành chức năng vào dịp cuối năm là một việc làm hợp lý. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến các điểm bình ổn mà quên mất việc bình ổn giá tại các chợ dân sinh là thiếu sót. Dư luận cũng không khỏi băn khoăn, phải chăng cơ quan chức năng bó tay trước việc tăng giá tùy tiện  tại các chợ dân sinh?

Ngân Tuyền