Quyết liệt kiềm chế nhập siêu

(ANTĐ) - Thống kê mới nhất vừa được Bộ KH-ĐT đưa ra là ước tính 6 tháng đầu năm nay, nhập siêu đạt khoảng 7,5 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù tỷ lệ nhập siêu vẫn cao hơn so với mục tiêu Chính phủ giao (16%) nhưng nhập khẩu có xu hướng giảm nhẹ.
Quyết liệt kiềm chế nhập siêu ảnh 1
Hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ là cần thiết (Ảnh minh hoạ)

Siết nhập khẩu vì quyền lợi người tiêu dùng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong buổi họp giao ban công tác tháng cho rằng: “Một số thông tin phản ánh biện pháp siết chặt nhập khẩu theo Thông tư 20 của Bộ Công Thương về hạn chế nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ và Thông báo 197 về kiểm soát nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động đắt tiền gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã kiểm tra và thấy thực tế không phải như vậy”. Theo Bộ trưởng, với Thông tư 20, mỗi năm Việt Nam chi tiêu 1 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 30.000 xe ô tô dưới 9 chỗ, phục vụ số lượng người dùng tương ứng. Phần lớn người dân còn lại không tiêu dùng hàng hoá này. Biện pháp trên cũng không gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi hơn 50% doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này chỉ nhập khẩu 10-15 chiếc xe/tháng.

Đối với mỹ phẩm, rượu và điện thoại di động đắt tiền, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng, hạn chế nhập khẩu để có điều kiện kiểm soát chất lượng hàng hoá tốt hơn, đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam hơn. “Biện pháp Việt Nam vừa bắt đầu thực hiện là cần thiết, phù hợp cả trong thời gian dài, không vi phạm cam kết WTO và nhiều nước trên thế giới đã áp dụng” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo đại diện Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thông tư 197 có hiệu lực từ ngày 1-6 và phía hải quan chưa phản ánh với Bộ Công Thương về khó khăn nào của doanh nghiệp. “Nếu doanh nghiệp gặp khó, họ có ý kiến ngay” - vị đại diện này cho hay.

Nhập siêu đang giảm?

Nếu như 5 tháng đầu năm nay, tỷ lệ nhập siêu chiếm 18,8% kim ngạch xuất khẩu thì ước tính hết tháng 6 này, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 18%, tương đương với khoảng 7,5 tỷ USD. Mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn so với chỉ tiêu Chính phủ giao 2%, nhưng các chính sách thắt chặt chi tiêu công và kiềm chế nhập siêu bước đầu phát huy tác dụng.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá dầu trên thế giới tăng so với cùng kỳ năm ngoái là một trong những nguyên nhân tác động đến giá cả nhiều mặt hàng đầu vào của sản xuất. 5 tháng đầu năm 2010, giá dầu ở mức 650 USD/tấn, nhưng cùng thời gian này của năm 2011, giá dầu đã lên tới 960 USD/tấn. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu sản xuất nên yếu tố tăng giá này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng và ít có cơ hội giảm. Đây là một trong những lý do khiến nhập siêu đứng ở mức cao.

Trao đổi tại Hội thảo về “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020” vừa diễn ra tại Hà Nội, Tiến sĩ Đinh Văn Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, để giảm nhập khẩu thì một số ngành sản xuất của Việt Nam cũng phải giảm xuất khẩu bởi hiện tại, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày… vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu sản xuất. Tuy nhiên, nếu giảm mức độ nhập khẩu ngay lập tức có thể ảnh hưởng tới việc làm của hàng triệu lao động. Cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu cần có những thay đổi hợp lý.

Lãnh đạo Vụ Xuất nhập khẩu lại cho rằng, nên tranh thủ tận dụng lợi thế của hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại để thu được hiệu quả xuất khẩu.

Sơ bộ thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 41,5 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng nông sản: cao su, cà phê… hàng công nghiệp chế biến như dệt may dẫn đầu trong tăng trưởng về lượng xuất khẩu. Xu hướng tăng giá các mặt hàng xuất khẩu ngày càng rõ nét và đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 49 tỷ USD. Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều hàng hoá từ Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc…

4 tháng đầu năm 2011:
Lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng tới 63,2%
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 4-2011, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam là hơn 5.500 chiếc, giảm 3,2% so với tháng 3. Tuy nhiên, tính cả 4 tháng đầu năm lượng ô tô nhập khẩu là 21.400 chiếc (tăng 63,2%) với trị giá đạt 392 triệu USD tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam với hơn 9.300 chiếc, chiếm 43,5% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước. Tiếp theo là Nhật Bản với hơn 2.600 chiếc; khu vực ASEAN với hơn 2.350 chiếc; Trung Quốc hơn 3.700 chiếc.