Hà Nội:
Quyết liệt các biện pháp kiềm chế tăng giá
(ANTĐ) - Chiều 22-11, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức họp báo, thông báo tình hình triển khai thực hiện bình ổn giá cả, thị trường tháng cuối năm 2010 và phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão. Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong dịp Tết sắp tới, giá cả của nhiều mặt hàng có thể tiếp tục tăng lên.
Giá tăng do tâm lý
Hơn 2 tháng qua, giá cả nhiều hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội tăng liên tục. Trong tháng 10-2010, CPI của Hà Nội đã tăng 1,22% so với tháng 9. Và mặc dù Hà Nội triển khai Tháng Khuyến mãi bắt đầu từ ngày 1-11, nhưng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này cũng tăng tới 1,96% so với tháng trước.
Lý giải nguyên nhân tăng giá dồn dập vừa qua, ông Nguyễn Văn Đồng cho hay: “Giá cả nhiều mặt hàng tăng lên không phải do thiếu hàng, khan hiếm nguồn cung mà do tác động tâm lý dây chuyền. Khi chúng tôi đi kiểm tra tại các chợ đầu mối, giá cả ổn định và hàng hóa phong phú.
Giá nhiều loại rau quả, thực phẩm đang tăng cao do tâm lý |
Nhưng giá hàng tại các chợ bán lẻ lại tăng lên”. Điều này chứng tỏ các tiểu thương buôn bán tại các chợ đã tự ý nâng giá hàng hóa. Ví dụ cụ thể với mặt hàng thịt lợn, mặc dù giá cả mặt hàng này tăng cao trong thời gian gần đây nhưng nhu cầu thịt lợn không tăng đột biến.
Nếu như trước đây, có doanh nghiệp Hà Nội phải huy động thêm khoảng 300 con lợn/ngày từ các tỉnh phía Nam để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô nhưng hiện tại, họ đã huy động ít hơn số này.
Tuy nhiên, có thể xảy ra thiếu cục bộ tại một số nơi trong một thời gian ngắn do công tác vận chuyển không kịp thời. Cũng theo ông Đồng, việc kiểm soát giá tại các chợ tự do rất khó.
Về dự báo giá cả các mặt hàng trong dịp Tết, ông Đồng cho rằng, giá cả khó tránh khỏi tăng lên mặc dù thành phố đang cố gắng kiểm soát vấn đề này. Nguyên nhân là dịp Tết, nhu cầu mua tăng cao, tâm lý người kinh doanh cũng trông chờ dịp này để tăng giá, người mua cũng có tâm lý “năm hết Tết đến, mua hàng cho nhanh”, giá có tăng cao cũng phải mua.
Bên cạnh đó, hàng hóa có chất lượng cao cũng được để dành đến dịp này mới tung ra thị trường nên giá cao là tất yếu. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng giá thêm bao nhiêu rất khó dự đoán.
Bình ổn cũng khó giữ giá!
Từ tháng 7-2010, các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường đã được tạm ứng vốn để dự trữ hàng hóa. Tuy nhiên, rất nhiều thắc mắc cho rằng thời gian vừa qua, giá cả thị trường tăng nhưng không thấy các doanh nghiệp bình ổn giá thông báo giá bán một số mặt hàng thấp hơn thị trường 10% như quy định.
Ông Đồng cho biết, khi xây dựng phương án bình ổn giá, quy định các doanh nghiệp sẽ công bố và thực hiện mức giảm giá như trên trong trường hợp như: thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường cực mạnh…
Việc tăng giá nhiều mặt hàng vừa qua không xuất phát từ các yếu tố trên nên các doanh nghiệp vẫn thực hiện mức giá bán thông thường!
Ông Đồng cũng cho biết thêm, các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bình ổn giá cũng gặp không ít khó khăn khi nguồn vốn vay có hạn mà nhu cầu người tiêu dùng rất lớn. Nhiều doanh nghiệp tính toán phải quay vòng vốn vay 10 lần mới đủ nhu cầu cung ứng hàng hóa của người dân Thủ đô.
Thành phố đang triển khai 396 điểm bán hàng bình ổn giá, kể cả ở khu vực nội thành và ngoại thành. Sở Công Thương đang kỳ vọng sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp đăng ký điểm bán hàng bình ổn giá để phục vụ người dân.
“Một số ý kiến đề xuất xây dựng các điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ, nhưng rất khó thực hiện, bởi cần mặt bằng, thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi phải tính toán. Còn nếu đi thuê địa điểm để bán hàng bình ổn giá thì chi phí lại tốn kém, rất khó để bình ổn”- ông Đồng chia sẻ.
Ông Đồng lo ngại, nếu giá cả thị trường cứ tăng cao, giá cả trong các siêu thị, doanh nghiệp được giao bình ổn giá cũng khó giữ, bởi nếu giữ giá quá lâu, có thể gây ra cơ chế 2 giá, tạo ra sự chênh lệch lớn. Giữ giá lâu sẽ dẫn đến bao cấp.
Sở Công Thương đang thực hiện việc kiểm soát giá cả thị trường thông qua việc đăng ký giá bán các mặt hàng thiết yếu doanh nghiệp, định kỳ 2 lần/tuần đối với rau quả và thực phẩm tươi sống.
Từ ngày 15-11, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ đồng loạt tiến hành kiểm tra việc bán theo giá đăng ký tại các doanh nghiệp, các điểm kinh doanh trên toàn thành phố và xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến việc tăng giá tùy tiện, bất hợp lý.
Vân Hằng