Quý I đã gần "cạn" room tín dụng, TPBank muốn xin "nới" chỉ tiêu tín dụng lên 20%

ANTD.VN - Hết quý I/2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng của TPBank đã đạt 11,2%, trong khi chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước thông qua là 13%. Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cho biết đã xin “nới” chỉ tiêu tín dụng và mức 20% có thể “trong tầm tay”.

Sáng nay, 23/4 tại Hà Nội, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh năm 2018, HĐQT TPBank cho biết, năm 2018, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 136 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10% so với cuối năm 2017. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng đạt 2.258 tỷ đồng, tăng 87% so với năm trước.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 16% đạt 158 nghìn tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng 20% đạt 101.195 tỷ đồng (cần được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận). Tổng huy động vốn dự kiến tăng 20% đạt 142.309 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 1,5%...

TPBank cũng có kế hoạch tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn giá đóng cửa ngày 2/4/2019.

Cùng với việc báo cáo và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019, Ban quản trị TPBank đã trình cổ đông thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng Tiên Phong (TPBank AMC) với vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, HĐQT cũng trình phương án tìm kiếm, mua lại toàn bộ 100% vốn của các cổ đông của công ty tài chính để trở thành công ty con của TPBank hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Dự kiến thực hiện ngay khi được cấp phép, trong năm 2019.

Cập nhật kết quả kinh doanh quý I, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 852 tỷ đồng và tăng trưởng tín dụng 11,2%. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết NHNN mới chỉ cho phép ngân hàng tăng trưởng tín dụng 13% cho năm 2019, mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng tuân thủ Thông tư 41 trước thời hạn sẽ được ưu tiên với tỷ lệ tín dụng cao hơn hẳn so với toàn ngành.

“Chúng tôi tin rằng TPBank sẽ được tăng thêm chỉ tiêu tín dụng, nhưng chưa rõ được bao nhiêu. Tuy nhiên, mức 20% là trong tầm tay, mức cao hơn có thể từ 20-25% tùy thuộc vào sự cân nhắc của Ngân hàng Nhà nước” – ông Nguyễn Hưng cho biết.

Ngoài ra, CEO TPBank cho biết nếu lợi nhuận tốt, ngân hàng dự kiến sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC hoặc tối thiểu là 500 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc tại sao ngân hàng không trả cổ tức, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho rằng, năm 2018, lợi nhuận sau trích lập của ngân hàng còn khoảng 1.500 tỷ. TPBank dự kiến sẽ dùng khoản lợi nhuận này để mua lại công ty tài chính, thành lập một số công ty mới. Phần còn lại dự kiến sẽ chia cho các cổ đông bằng cổ phiếu, không chia bằng tiền.