Quốc hữu hóa Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam: Ai làm các cổ đông mất tiền?

ANTĐ - Câu chuyện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng, nhiều báo chí đã làm cho dư luận tưởng như chuyện trên trời rơi xuống, chỉ trong một phút 551 cổ đông trắng tay. Cũng đã có cổ đông lên tiếng nức nở: Thế là mất hết cơ nghiệp bao năm dành dụm. Có nhiều người gửi tiền hoặc có tài khoản giao dịch tại VNCB lo lắng, không hiểu mình có mất tiền không? Sự thực không phải vậy.
Quốc hữu hóa Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam: Ai làm các cổ đông mất tiền? ảnh 1

Ngân hàng VNCB từ lâu đã chỉ còn cái vỏ, là con nợ, là gánh nặng của NHNN. Các cổ đông biết cả và việc NHNN gánh hộ cho gánh nợ là phúc trên trời rơi xuống với rất nhiều cổ đông lớn của VNCB. Không ai bị mất tiền vì quyết định của NHNN cả, người gửi tiền hoặc có tiền trong tài khoản thì vẫn còn nguyên, còn tiền của các cổ đông thì đã... mất từ lâu, từ trước khi NHNN quyết định mua lại, hay đúng hơn gánh hộ vì sự an toàn của cả thị trường tài chính.

Giải pháp cho một ngân hàng hết vốn chủ sở hữu, ngân hàng con nợ

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5-2013, Trust Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ. Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung ưu tiên phục vụ lĩnh vực xây dựng. Đến 26-12-2013, Ngân hàng VNCB đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng.

Theo kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) trình bày trong Đại hội đồng cổ đông bất thường đã được tổ chức tại Hội trường Thống nhất - Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ngày 31-1-2015, VNCB đã âm vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu (VCSH) hay vốn tự có của ngân hàng là nguồn vốn riêng của ngân hàng do chủ sở hữu đóng góp ban đầu và được bổ sung trong quá trình kinh doanh, là tài sản của các cổ đông có trong ngân hàng. Kết quả này cho thấy, các cổ đông không những không còn tài sản trong ngân hàng mà còn là con nợ, phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ của ngân hàng.

Trong trường hợp này, theo tính toán của một chuyên gia ngân hàng, VNCB có vốn điều lệ 7.500 tỷ đồng, mà cả vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đã bị mất hết thì các cổ đông phải bỏ ra ít nhất 7.500 tỷ đồng “tiền tươi” vào thì mới có thể vực dậy được ngân hàng. Đã có tới 3 cuộc Đại hội cổ đông bất thường được triệu tập để thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, nghĩa là thông qua phương án các cổ đông góp thêm tiền để đảm bảo ngân hàng hoạt động được bình thường. Dĩ nhiên số tiền chắc chắn không dưới 7.500 tỷ đồng. Các cổ đông đã lắc đầu. Không ai muốn bỏ tiền vào một thây ma đã ngừng thở từ lâu. Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.

Đến nước này, chỉ có hai giải pháp cho Ngân hàng VNCB, một là cho phá sản, hai là quốc hữu hóa. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp VNCB phá sản, khoản tiền gửi của khách hàng sẽ được chi trả bởi tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Hiện mức trần bảo hiểm dành cho khoản tiền gửi khách hàng ở Việt Nam là 50 triệu VND. Tức là dù khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền 500 triệu hay 5 tỉ VND, số tiền khách hàng nhận được khi NH phá sản tối đa cũng chỉ là 50 triệu VND. Rõ ràng, nếu để VNCB phá sản, người gửi tiền sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng và sẽ gây ra tâm lý hoảng loạn lan truyền trong người dân. Vì quyền lợi của người dân, vì đảm bảo an ninh tiền tệ, NHNN buộc phải ra tay.

Căn cứ Luật Các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 1-8-2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, NHNN Việt Nam tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB. Với việc mua lại VNCB, NHNN sẽ chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả tiền cho người gửi tại NH này. Cụ thể, đây là hình thức phá sản của các cổ đông nhưng quyền lợi của người gửi tiền vẫn sẽ được bảo đảm.

Vấn đề là tiền đi đâu?

Ngân hàng trước hết là một doanh nghiệp kinh doanh tài chính. Đã là kinh doanh có thể lãi lớn và đương nhiên cũng có thể thua lỗ. Tiền thân của Ngân hàng VNCB là Ngân hàng Trust Bank cũng đã thua lỗ và được xếp hạng ngân hàng cần được xử lý, cần được tái cấu trúc. Và những ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh đã nhảy vào đầu tư để dựng Trust Bank thành VNCB với số vốn tăng gấp 2,5 lần. Khi đầu tư vào Trustbank, tỷ lệ sở hữu ban đầu của Thiên Thanh là xấp xỉ 10%, tương ứng lượng cổ phiếu có mệnh giá gần 300 tỷ đồng. Sau đó, Thiên Thanh và nhóm cổ đông liên quan tiếp tục góp thêm 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của ngân hàng lên 7.500 đồng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày 29-7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố  bị can và bắt tạm giam bị can đối với: Phạm Công Danh (SN1965 tại Quảng Ngãi), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh cùng toàn bộ lãnh đạo tập đoàn này để điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. 

Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, những người này đã dùng sổ tiết kiệm của nhóm Tân Hiệp Phát để thế chấp 39 khoản vay tại VNCB; các chứng từ chuyển tiền không có chữ ký của chủ tài khoản, trong đó có 3 khoản vay không có hồ sơ; lập dự án đầu tư nâng cấp hệ thống Corebanking, thuê trụ sở để rút tiền của ngân hàng, chuyển lòng vòng qua các khâu trung gian, che giấu cơ quan chức năng để ông Danh sử dụng. Khi quá hạn, không có khả năng thu nợ, gây thiệt hại cho VNCB trên 6.000 tỷ đồng và dùng số tiền trên 6.600 tỷ đồng huy động từ khách hàng của VNCB gửi thị trường 2 của Sacombank, BIDV, TPBank để bảo lãnh cho 29 lượt công ty do Phạm Công Danh lập ra và mượn pháp nhân không có tài sản bảo đảm vay tiền. Hết hạn, các công ty này không có khả năng trả nợ nên 

Sacombank, BIDV, TPBank đã thu hồi số tiền gửi thị trường 2 nêu trên gây thiệt hại cho VNCB số tiền 6.146 tỷ đồng.

Số tiền góp vốn đã là ảo nhưng số tiền thiệt hại thì là thật. VNCB xiêu đổ. Để tránh một cơn lũ đổ xuống đầu người gửi tiền, NHNN phải xuất hiện. Ngày 1-8-2014 một thỏa thuận hợp tác chiến lược đã được ký kết với nội dung: Vietcombank cam kết hỗ trợ thanh khoản cho VNCB, phát triển hợp tác trong các lĩnh vực nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, quản trị, trao đổi và cung cấp thông tin... nhằm chi trả kịp thời tiền gửi hợp pháp của người gửi tiền. Hai bên thống nhất hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các giao dịch về vốn và kinh doanh tiền tệ khi có nhu cầu. Tuy đã có sự hỗ trợ của NHNN qua Vietcombank, nhưng hoạt động của VNCB cũng không đem lại lợi nhuận do ảnh hưởng của vụ án Phạm Công Danh. 

Như vậy có thể nói, cho đến trước khi Phạm Công Danh bị bắt, toàn bộ vốn chủ sở hữu của VNCB đã bị âm, các cổ đông đã thành con nợ. Vốn biến mất do quản trị kém, kinh doanh kém gây thua lỗ và bị chính những lãnh đạo ngân hàng làm mất, chiếm đoạt.

Trách nhiệm cổ đông ra sao? 

Theo các quy định pháp luật thể hiện tại điều 54 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, các cổ đông ngân hàng có trách nhiệm: Thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua trong thời hạn do tổ chức tín dụng quy định; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức tín dụng trong phạm vi vốn cổ phần đã góp vào tổ chức tín dụng. Như vậy, theo đúng lẽ, các cổ đông của VNCB sẽ phải có trách nhiệm nộp tiền để thanh toán tất cả các khoản nợ của VNCB. Tuy nhiên, việc nộp tiền này sẽ được tiến hành sau các thủ tục phá sản ngân hàng. Với thực trạng giải quyết các thủ tục tố tụng dân sự hiện nay, để hoàn thành một vụ phá sản ngân hàng, chắc chắn sẽ mất vài năm và với thời gian đó, những hậu quả với người gửi tiền, với dư luận sẽ rất khủng khiếp. Chính vì vậy, việc NHNN mua lại toàn bộ cổ phần của Ngân hàng VNCB với giá 0đ hóa ra lại giải thoát cho các cổ đông trách nhiệm luật định: chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức tín dụng. 

Nhưng lại có một vấn đề được đặt ra: Vậy có ai phải chịu trách nhiệm với sự thua lỗ, với sự thất thoát những số tiền khổng lồ trong vụ âm vốn chủ sở hữu Ngân hàng VNCB? Tất nhiên là có. Những ai làm sai các quy định pháp luật gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB, những ai chiếm đoạt trái phép tài sản của Ngân hàng VNCB chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc NHNN mua lại cổ phần của Ngân hàng VNCB không xóa được trách nhiệm hình sự của những người này. Trong tương lai, khi tòa án xét xử vụ án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh sẽ thấy rõ. Chính một lãnh đạo NHNN đã nói thẳng về vụ việc này: Cổ đông nào làm bậy thì chắc chắn phải bị trừng phạt, nhưng tất cả các cổ đông cũng phải nhận thấy, đã tham gia kinh doanh thì lời ăn, lỗ chịu, không thể đổ lên đầu NHNN được. 

Còn hiện nay, NHNN sẽ dùng tiền ngân sách để bù đắp một số khoản nợ, về lâu về dài, khi VNCB làm ăn có lãi sẽ lấy phần lãi bù đắp lại vốn vay ban đầu. Tuyên bố của NHNN cũng tiết lộ rằng, Vietcombank tham gia quản trị, điều hành VNCB và hiện đã có một Phó TGĐ 

 Vietcombank chính thức tham gia điều hành NH này. Sau thời điểm bị mua lại, VNCB sẽ vẫn hoạt động kinh doanh trên danh nghĩa của mình nhưng NHNN mới là chủ sở hữu.