Quả thanh long giảm giá thê thảm, "giải cứu" hết lần này tới lần khác

ANTD.VN - Những ngày qua, giá thanh long tại Bình Thuận- thủ phủ của loại cây ăn quả này, giảm thê thảm, chỉ còn từ 1.000-2.000 đồng/kg. Thậm chí, có nơi thanh long chất đống, phải đổ bỏ.

Chỉ phụ thuộc một thị trường, thanh long "tắc" đầu ra

Tại nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, xuất hiện thông tin giá quả thanh long tại Bình Thuận giảm giá thảm hại liên tục được đăng tải. Nông dân tại một số khu vực trồng nhiều thanh long của tỉnh Bình Thuận như: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… điêu đứng vì giá giảm xuống 1.000-2.000 đồng/kg mà không có người mua.

Thanh long mẫu mã xấu chắc chắn phải đổ bỏ. Trước đó, có những lúc, người trồng thanh long có thể bán với giá 25.000 đồng/kg tại vườn.

Theo thống kê, hiện tỉnh Bình Thuận là địa phương cung cấp thanh long cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lớn nhất cả nước với diện tích hơn 27.000 ha, cho sản lượng hơn 600.000 tấn/năm.

Cách đây 3 năm, thanh long đã từng bị dư thừa, không tiêu thụ được phải đổ bỏ. Tuy nhiên, sau 3 năm, tình trạng này tại tái diễn. Trên nhiều diễn đàn, một cuộc kêu gọi "giải cứu" thanh long lại bắt đầu, giống như kêu gọi "giải cứu" dưa hấu, hành tím, chuối... từng diễn ra.

Song đáng ngạc nhiên nhất là mặc dù tại nơi trồng thanh long, giá quá thấp, thì tại thị trường trong nước, người dân vẫn phải mua thanh long với giá khá cao. 

Tại Hà Nội, giá thanh long ruột đỏ loại trung bình dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg. Thanh long loại to, ngon giá 30.000 đồng/kg. Tại các siêu thị lớn, giá thanh long dao động từ 15.000- 20.000 đồng/kg. Thông tin từ bạn đọc cũng cho biết, tại quận Gò Vấp- TP Hồ Chí Minh, giá bán loại trái cây này là 36.000 đồng/kg. 

"Tại sao cứ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trong khi người tiêu dùng trong nước có nhu cầu ăn thanh long nhưng lại ngại giá đắt? Cứ dồn vào chỗ thừa, trong khi chỗ thiếu không ai mang tới để có lợi cả với người bán và người mua"?- chị Khánh Hà (Hà Nội) băn khoăn.

Theo anh Hữu Danh (Hà Nội), tư tưởng của người nông dân vẫn chưa thay đổi, cứ thấy mặt hàng nào được giá là lao vào làm, không nghiên cứu kỹ, bất chấp cảnh báo. Ngay cả khi thị trường nội địa có nhu cầu để tiêu thụ cũng không biết mà phân phối.

"Nếu nhờ vào "giải cứu" trong khi người dân vẫn muốn mua, phải mua với giá cao thì khó tránh khỏi người kinh doanh trung gian trục lợi"- anh Hữu Danh nói. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các Bộ Công Thương, NN&PTNT, chính quyền địa phương cần thông tin cụ thể hơn, nhanh hơn về thị trường xuất khẩu cùng những phân tích, cảnh báo để người dân biết. 

Cuối tháng 7-2018, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đã thông tin, trong tháng 7-2018, việc Trung Quốc mở rộng diện tích thanh long khiến lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dự báo sẽ chững lại.

Mặt khác, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, dự báo Trung Quốc sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, dường như thông tin này đến với người dân hơi muộn và người dân cũng không chủ động tìm kiếm thông tin để có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cho chính mình nên việc ế thừa thanh long vẫn diễn ra.