Quá nhiều thách thức trong việc cải cách xong môi trường kinh doanh ở Việt Nam

ANTD.VN - Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lo ngại, Việt Nam khó bứt phá trong cải cách để có môi trường kinh doanh hấp dẫn như các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Doanh nghiệp đang được tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn

Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ, để thực hiện công cuộc cải cách, Chính phủ liên tiếp có nhiều Nghị định như: Nghị định 27, Nghị quyết 95, Nghị quyết 19 lần thứ 4, Nghị quyết 01...

Những cam kết này là điểm rất mạnh của Việt Nam. Khi đi tham dự các hội thảo quốc tế, người ta đặt vấn đề, yếu tố nào để cuộc cải cách thành công? Câu trả lời là cam kết của Chính phủ ở mức cao nhất. Ta có cam kết nhưng kết quả thế nào?

Tự trả lời câu hỏi này, Phó viện trưởng CIEM cho hay: "Các Nghị quyết của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cải cách, giải pháp cải cách khi so sánh với sân chơi quốc tế là đầy đủ, toàn diện và chi tiết. Nhưng ở khâu thực hiện, nói ta thành công cũng đúng, nhưng thành công ở mức nào?

Việt Nam được ghi nhận năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh năm 2017 tăng 14 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB); Một số lĩnh vực: nộp thuế, bảo hiểm xã hội có bước nhảy vọt, 60-70 bậc trên Bảng xếp hạng. Trong đó Bộ Công Thương là Bộ tiên phong.

Kết quả này đáng ghi nhận nhưng chưa như kỳ vọng và chưa đạt yêu cầu cải cách. Cá nhân tôi không chê bai thành tựu, tôi ghi nhận nỗ lực nhưng đạt kết quả tốt như vậy là điều đương nhiên vì chúng ta đã nỗ lực".

Theo vị chuyên gia này, cải cách của Việt Nam đang đối mặt 3 vấn đề, vượt qua nó mới tiến đến giai đoạn phát triển. "Thứ nhất là thời gian để hoàn thành cải cách. Khi ta có Nghị quyết 19 lần thứ nhất vào năm 2014 và Nghị quyết 19 lần thứ 5, năm 2018, ta mất 4 năm để thực hiện 1 Nghị quyết 19 với mục tiêu về cơ bản như trước đây 4 năm.

4 năm trước đây, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu môi trường kinh doanh ngang bằng mức trung bình của ASEAN 6. Sau đó 1 năm, ta đặt mục tiêu bằng trung bình ASEAN 4 và đến nay chúng ta vẫn kiên định mục tiêu bằng trung bình ASEAN 4.

Về môi trường kinh doanh năm 2018, Singapore hiện nay đứng thứ 2 thế giới, Thái Lan đứng 24 thế giới, Malaysia đứng 26 và để đạt ASEAN 4, Việt Nam phải so sánh với Philippines (ở mức 98). Giả sử chúng ta bằng trung bình của ASSEAN 4 thì ta phải đạt 28 bậc, vào top 40 của thế giới và nếu phấn đấu ASEAN 3 thì phải vào top 20. Đây là khoảng cách mà những người tham mưu chính sách cũng chưa dám đặt ra.

Vậy còn bao nhiêu năm nữa thì hoàn thành Nghị quyết 19? Chúng tôi thường nói với nhau: "Đừng về hưu với Nghị quyết 19! Áp lực thời gian rất quan trọng"- ông Phan Đức Hiếu phân tích.

Theo vị này, ở Hàn Quốc, năm 2002, họ thực hiện cải cách thể chế kinh doanh. Trong vòng 3 năm, họ thực hiện dứt điểm việc cải cách này. Hàn Quốc đã rà soát 11.000 văn bản và bãi bỏ 6.000 văn bản, chứ không chỉ thay đổi các nội dung.

Hai là về xóa bỏ điều kiện kinh doanh, khi nào sẽ hoàn thành? Tháng 8-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 98 yêu cầu lần đầu tiên các bộ, ngành cắt giảm, bãi bỏ từ 30-50% tổng số điều kiện kinh doanh. Tháng 1-2018, Bộ Công Thương là bộ duy nhất hoàn thành. Nhưng đến tháng 6-2018, các bộ vẫn đang rà soát hoặc xây dựng phương án.

"Bộ nào đó đi nhanh hơn thì đang dự thảo các văn bản ở cấp Nghị đinh. Nhưng điều kiện kinh doanh không chỉ quy định ở các Nghị định, mà còn nằm ở các luật. Và nếu muốn sửa luật thì không phải tính bằng tháng, bằng năm mà bằng vài năm.

Vậy bao nhiêu năm nữa sẽ hoàn thành cắt giảm điều kiện kinh doanh theo mong muốn của Chính phủ khi phải sửa cả luật? Nếu làm tốt thì với nỗ lực cao nhất thì 2 năm tới đã là thành công"- ông Phan Đức Hiếu nói.

Thách thức thứ hai, theo ông Phan Đức Hiếu, hiện nay, ta mới đang tư duy xóa bỏ rào cản, nghĩa là cái gì vướng thì gạt ra, nhưng cơ bản các nước đã cải cách nhằm tạo ra giá trị thúc đẩy phát triển chứ không còn gỡ bỏ rào cản nữa.

Thách thức thứ ba là trong quá trình phát triển không thể thiếu cạnh tranh, mà mục tiêu cải cách còn chưa hoàn thành, nên chưa thể có cạnh tranh.

"Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang cải thiện và cải thiện dần dần, nhưng trong bối cảnh này nếu phải chạy đua, nếu thiếu cải cách đột phá thì không thể đạt kết quả phát triển như kỳ vọng. 

Để cải cách thành công thì 5% được quyết định bởi nội dung cải cách, 95% còn lại được quyết định bởi cách thức thực hiện. Bởi vậy, chỉ có quyết tâm thì không thành công"- Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Vị này cũng đưa ra ví dụ Việt Nam đã từng có một số cải cách đột phá. Đó là việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2000. Nhờ có Luật này, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm từ 1,5 năm xuống còn 15 ngày; Phí đăng ký từ khoảng 1 cây vàng xuống còn vài trăm nghìn đồng. Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới thời điểm này tương đương với tổng số doanh nghiệp thành lập trong 10 năm trước đó.

"Nếu thời điểm đó tư duy chỉ là cải thiện, giảm từ 1,5 năm xuống còn 1 năm thì việc cải cách không không có ý nghĩa"- ông Phan Đức Hiếu nêu quan điểm.