PVN gặp khó với các dự án nghìn tỷ thua lỗ

ANTD.VN - Các phương án giải quyết thua lỗ cho dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất đang được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thực hiện với đánh giá không mấy lạc quan.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vừa có báo cáo gửi Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém của Chính phủ và Bộ Công Thương về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của tập đoàn này.

Đối tác lưỡng lự hợp tác với PVTex 

Ngày 25-7, PVN đã có báo cáo gửi Ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án hợp tác với nước ngoài. Trong thời gian chờ đợi này, PVN đã có công văn đề nghị Fortrec (đối tác Singapore) gia hạn thời gian hiệu lực cho các đề xuất hợp tác sản xuất kinh doanh (hạn cũ là 31-7-2017). Tuy nhiên, trong công văn trả lời ngày 8-8 của Fortrec, đối tác này cho rằng thời gian đợi các cấp có thẩm quyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) phê duyệt phương án quá lâu nên để triển khai hợp tác tiếp, Fortrec cần xin lại thủ tục phê duyệt phương án trước khi có trả lời chính thức!

Đáng chú ý, tháng 8-2016, Fortrec cũng là 1 trong 2 đối tác đàm phán với PVN để thống nhất phương án hợp tác. Song do không thống nhất được điều kiện Fortrec đặt ra nên đến nay, Fortrec vẫn phải chờ đợi PVTex.

PVN cũng cho biết thêm, hiện tại tập đoàn đang làm việc với đối tác Reliance Industry (Ấn Độ) về phương án hợp tác hỗ trợ PVTex trong thời gian tới như: cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ bảo dưỡng vận hành và mời Reliance mua cổ phần của PVTex. 

PVTex do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng). Tháng 5-2014, nhà máy chạy thử và từ đó đến nay, dự án liên tục đối mặt với khó khăn như: không bán được hàng, tạm dừng sản xuất. Hiện nhà máy đang lỗ hàng nghìn tỷ đồng và để duy trì chạy lại nhà máy, cần bỏ thêm hàng trăm tỷ đồng nữa với khoảng thời gian là 1 năm. 

Nhà máy đóng tàu Dung Quất có nguy cơ phá sản

Cũng theo báo cáo của PVN, để xử lý thua lỗ đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủ Dung Quất (DQS), tập đoàn đưa ra 4 kiến nghị. Một là PVN kiến nghị cho phép Tập đoàn bán doanh nghiệp theo hành lang quy định của Nghị định 128 ngày 31-12-2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản. Hai là ủy quyền cho Hội đồng thành viên PVN quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt. Ba là có cơ chế giao cho DQS thực hiện các công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của DQS khi tập đoàn và các đơn vị trong PVN có nhu cầu, để đảm bảo đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, công nhân viên chức của DQS.

Cuối cùng, PVN kiến nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT để xác định giá trị bàn giao nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao giữa PVN và Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam. Hiện nay, PVN đang chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo. Tuy nhiên, tại các cuộc họp trước của PVN với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan về dự án này, PVN nghiêng về phương án để DQS phá sản. 

Với 3 dự án nhiên liệu sinh học: Dung Quất (Quảng Ngãi), Phú Thọ và Bình Phước, PVN cho biết các phương án phối hợp với đối tác để đưa các nhà máy này vận hành lại theo kế hoạch.