Phương án giá điện, giá xăng dầu không cần đưa vào danh mục bí mật ngành Công Thương

ANTD.VN - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra 6 ngành nghề, lĩnh vực không cần phải đưa vào danh mục bí mật Nhà nước ngành Công Thương.

Việc đóng dấu mật tùy tiện có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp

Góp ý cho dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương, VCCI nêu ra nhiều nội dung không cần đóng dấu mật.

Ví dụ, Điều 2.1 của dự thảo quy định: “Các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược của ngành thương mại, cơ khí, luyện kim, năng lượng điện, hoá chất, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác chưa công khai” thuộc diện bí mật Nhà nước.

Theo VCCI, hiện không rõ như thế nào là hợp đồng, đề án mang tính chiến lược. Hơn nữa, diện các lĩnh vực rất rộng, gồm cả thương mại (thương mại là khái niệm rất rộng, bao gồm hầu hết các ngành kinh tế), công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác (gồm rất nhiều ngành nhỏ hơn trong đó).

“Quy định vừa lỏng, vừa rộng như vậy có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật một cách tuỳ tiện vào các hợp đồng, đề án. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm “mang tính chiến lược” và nghiên cứu thu hẹp phạm vi của Điều 2.1 theo hướng chỉ áp dụng cho một số ngành rất hạn chế có liên quan đến an ninh quốc gia”- VCCI nêu quan điểm.

Tương tự, với phương án điều hành giá xăng dầu, giá điện, trong bối cảnh hiện tại, việc công bố các phương án này khó có thể dẫn tới đầu cơ, găm hàng trước mỗi kỳ tăng giá nên VCCI cho rằng, cần loại bỏ nội dung này trong dự thảo.

Cũng theo văn bản góp ý của VCCI, Điều 2.20 của dự thảo quy định: “Kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường trong nước bảo đảm cung cầu, ổn định thị trường chưa công khai” thuộc diện bí mật nhà nước.

Nếu biện pháp điều hành thị trường chỉ dừng lại ở việc mua bán hàng hoá thuộc sở hữu của Nhà nước (nghiệp vụ thị trường mở) thì việc giữ bí mật các kế hoạch và biện pháp điều hành thị trường là phù hợp. Tuy nhiên, nếu biện pháp điều hành thị trường liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức khác cần được hạn chế và phải được công khai.

Hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước là cam kết xây dựng thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại. Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ cung cầu cần được vận hành dựa trên cơ sở giá cả và quy luật cung cầu. Hiến pháp đã có quy định bảo hộ quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cũng đã có quy định về các quyền của doanh nghiệp. Pháp luật về đầu tư và thương mại của Việt Nam chỉ hạn chế quyền này bằng hình thức đầu tư kinh doanh có điều kiện.

“Pháp luật giá của Việt Nam chỉ cho phép một số biện pháp rất hạn chế để Nhà nước can thiệp vào thị trường như bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá. Theo Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Giá thì các biện pháp này đều được thực hiện một cách công khai. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 2.20 trong dự thảo”- VCCI kiến nghị.

Ngoài ra, một số nội dung khác trong dự thảo cũng không cần phải đóng dấu mật như: tài liệu, địa điểm, trữ lượng mỏ khoáng sản; báo cáo kết quả tham dự hội nghị; tài liệu điều hành về xuất nhập khẩu hàng hóa cũng không cần thiết phải đóng dấu mật. Việc đóng dấu mật tràn lan sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các tài liệu để có định hướng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.