Phòng tránh dị ứng nước mưa
(ANTĐ) - Nước mưa có phần giống như nước cất vì cũng là hơi nước ngưng tụ. Hơi nước từ mặt biển, sông, hồ… bốc lên nhập vào các tầng khí quyển, gặp lạnh ngưng tụ lại và rơi thành mưa. Nhưng nước mưa khác với nước cất ở chỗ là có chứa nhiều yếu tố hóa học vi sinh vật mà nước mưa đã hấp thụ suốt quá trình giao lưu trong khí quyển. Trước đây, nhiều người cho rằng, nước mưa khá sạch và thậm chí còn tinh khiết vì là nước “không có nguồn”.
Ô nhiễm môi trường khiến nhiều người bị dị ứng nước mưa |
Tuy nhiên, hiện nay môi trường bị ô nhiễm do khí thải, khi bốc hơi lên tầng khí quyển; các đám mây tích nước đã bị ô nhiễm. Các thành phần nước mưa rơi từ độ cao xuống sẽ hòa tan và tiếp xúc với các tạp chất trong không khí, vì vậy trong nước mưa có chứa nhiều bụi, vi khuẩn, các tạp chất hóa học vô cơ và hữu cơ. Lượng vi khuẩn và các tạp chất hóa học nhiều hay ít tùy thuộc vào mùa và từng vùng, từng khu vực...
Mưa càng nhiều, càng lâu, các vi khuẩn và tạp chất trong nước mưa càng ít. Xét nghiệm các mẫu nước mưa cho thấy hầu hết đều có vi khuẩn, kể cả nước mưa hứng giữa trời, nhiều mẫu nước mưa có số lượng vi khuẩn khá cao, tương đương với nước giếng không sạch. Có nhiều nguyên nhân làm nước mưa chứa nhiều vi khuẩn là do khi rơi từ trên cao xuống đất, nước mưa hấp thụ nhiều tạp chất do các quá trình phân hủy ở mặt đất và do các khu công nghiệp thải ra hoặc mái nhà có nhiều bụi bẩn, bể chứa nước có nhiều rong rêu đóng lâu ngày.
Nước mưa có tính axit nhẹ (độ pH khoảng từ 6,2-6,4) do khí Nitơ kết hợp với Oxy (nhờ các tia lửa điện của sấm sét) rồi kết hợp với nước thành axit Nitric, đồng thời cùng với nhiều loại axit khác do quá trình kết hợp trong lưu chuyển, vì thế nước mưa dễ gây nhiễm độc chì nếu ống dẫn nước, gáo múc và dụng cụ đựng nước có chất chì. Nước mưa là loại nước mềm vì không có các muối khoáng Ca, Mg nên độ hòa tan xà phòng kéo dài; nếu dùng nước mưa để giặt quần áo, rửa tay và rửa các dụng cụ với xà phòng đều không thích hợp vì tay sẽ bị nhờn rất lâu, muốn hết phải rửa sang loại nước khác. Đặc biệt, nhiều người thích dùng nước mưa để pha trà vì nước mưa không chứa những muối khoáng làm ảnh hưởng đến chất lượng hương vị trà như muối Natriclorua, muối sắt, các muối sulphat, photphat…
Dị ứng là một loại phản ứng của cơ thể người chống lại các tác nhân gây bệnh. Da người được chia thành 5 loại gồm da thường, da hỗn hợp, da khô, da dầu và da nhạy cảm. Với loại da nhạy cảm thì rất dễ bị dị ứng. Da trên cơ thể con người về cơ bản là giống nhau nhưng cơ địa mỗi người khác nhau, vì thế khi tiếp xúc với cùng một loại vật chất thì da có những phản ứng khác nhau.
Hiện nay, khi ô nhiễm môi trường ngày càng nặng thì việc bị nước mưa tiếp xúc rất dễ bị dị ứng, trong y khoa gọi là tăng tiết histamin, gây ra 2 hiện tượng là mẩn đỏ ngứa và nổi mụn nước. Để phòng ngừa việc bị dị ứng với nước mưa theo Tiến sĩ chuyên ngành da liễu Ngô Hồng Phong, Thẩm mĩ viện Thu Cúc thì cần chú ý không đi ra đường khi trời mưa đặc biệt là những đợt mưa đầu tiên vì bao giờ cũng chứa nhiều bụi bẩn hơn các đợt mưa sau.
Sau khi về nhà, nếu đã bị dính nước mưa thì cần phải tắm ngay bằng nước sạch, không để nước mưa ngấm vào người. Để điều trị dị ứng với nước mưa cũng hết sức đơn giản, không nặng như các loại dị ứng khác đó là dùng các loại thuốc có tác dụng kháng histamin, thông thường là loại thuốc tổng hợp. Có thể dùng Clarytin hoặc Fexidin, Cetrizine là những loại thuốc chuyên về dị ứng da liễu. Ngoài ra nếu nhẹ hơn có thể dùng kem bôi vì trong kem thường có chất Corticois và Dexamethazon cũng có thể khống chế được các loại dị ứng trên da.
Dị ứng có rất nhiều loại, có thể tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp, do vấn đề bên trong cơ thể, vì thế cũng có nhiều cách phòng chống khác nhau. Dị ứng do nước mưa là một loại dị ứng nhẹ, nếu biết một chút về chuyên môn có thể mua thuốc điều trị tại nhà, tuy nhiên theo lời khuyên của bác sĩ Phong, để biết đúng người đúng bệnh, khi mắc dị ứng cần đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để có phương hướng điều trị tích cực.
Mưa là một hiện tượng thiên nhiên khó tránh, khi đi ngoài trời gặp mưa, không thể có vùng da không tiếp xúc với nước mưa, vì thế có thể dị ứng nước mưa lặp đi lặp lại nhiều lần và rất khó phòng tránh. Vì vậy, nếu đã có tiền sử bị dị ứng nặng với nước mưa thì không nên đi ra ngoài đường khi trời đang mưa và để giảm thiểu được sự ngứa ngáy khi gặp phải nước mưa, trước hết cần giữ cho môi trường sạch, để “nước không nguồn” giữ được sự thuần khiết của mình và không mang mầm bệnh cho con người.
Hải Như