Phòng ngừa nứt nẻ tay chân trong mùa đông

(ANTĐ) - Nứt nẻ chân tay trong mùa đông là một bệnh về da thường gặp khi thời tiết hanh khô, không chỉ gây mất thẩm mỹ, mà còn tạo cảm giác đau rát, khó chịu cho chị em phụ nữ. Vậy phải đối phó thế nào với căn bệnh “đến hẹn lại lên” này?

Phòng ngừa nứt nẻ tay chân trong mùa đông

(ANTĐ) - Nứt nẻ chân tay trong mùa đông là một bệnh về da thường gặp khi thời tiết hanh khô, không chỉ gây mất thẩm mỹ, mà còn tạo cảm giác đau rát, khó chịu cho chị em phụ nữ. Vậy phải đối phó thế nào với căn bệnh “đến hẹn lại lên” này?

nứt nẻ tay chân trong mùa đông

nứt nẻ tay chân trong mùa đông

Nguyên nhân

Môi trường: Chứng bệnh này có quan hệ mật thiết với nhân tố môi trường, để hở chân tay ngoài gió lạnh, hay làm công việc phải tiếp xúc nhiều với chất xà phòng có tính kiềm cao, nước rửa tay có chất tẩy, tiếp xúc với chất béo hòa tan hay chất hấp thụ nước…, đều khiến da ngày càng khô ráp, mất đi tính đàn hồi và hình thành những vết nứt nẻ.

Tuổi tác: Tuổi càng cao, hàm lượng nước trong da càng thấp, dễ gây nứt nẻ chân tay. Thêm vào đó, nhiều phụ nữ có tuổi đã mất hẳn thói quen chăm sóc da bằng kem dưỡng như khi còn trẻ nên hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến.

Đi giày cao gót: Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây nên các vết nứt ở chân. Khi đi giày cao gót, sự ma sát của chân khiến mồ hôi tiết ra không đồng đều, làm nhiều chỗ ở bàn chân thiếu độ ẩm cần thiết, khiến da nứt nẻ.

Ngoài các trường hợp trên, các bệnh như vảy nến, á sừng, eczema cũng khiến da chân tay nứt nẻ, tuy nhiên các trường hợp này buộc phải đến bác sỹ chứ không thể tự chữa theo các cách thông thường.

Cách điều trị, phòng ngừa

Ngâm chân (tay) trong nước ấm 20 phút làm cho da mềm ra, sau đó lau khô, xoa dầu gan cá, kem urê hoặc thuốc mỡ acid tannic lên toàn bộ bề mặt bị nứt nẻ. Dùng một miếng gạc che kín chỗ tổn thương, sau đó cố định lại bằng băng dính vải, ngày hôm sau vết nứt sẽ liền miệng. Chú ý không để miếng gạc quá 48 giờ, như vậy sẽ khiến vết nứt sâu hơn và dễ nhiễm khuẩn.

Các biện pháp dân gian: Khoai tây: Luộc chín, nghiền nát, cho thêm một chút vaseline trộn đều, bảo quản trong hộp kín. Khi bị nứt tay, chân, có thể dùng để xoa vào vết nứt 1-3 lần mỗi ngày. Mật ong: Sau khi ngâm chỗ tổn thương với nước ấm, dùng mật ong xoa đều, mỗi ngày 2 lần liên tục trong 1 tuần. Lá trà: Nhai nát lá trà sau đó đắp lên chỗ tổn thương, dùng bằng dính vải quấn lại, vết nứt sẽ nhanh lành miệng. Chuối: Dùng mặt trong vỏ chuối chà xát lên vết nứt nhiều lần trong ngày, vết nứt sẽ biến mất sau vài hôm. Chà xát vỏ chuối 3 ngày/lần cũng sẽ giúp phòng ngừa nứt nẻ.

Phòng ngừa: Sau khi chữa lành, các vết nứt nẻ hoàn toàn có thể tái xuất hiện trên da nếu bạn không biết cách giữ gìn. Trong mùa đông, hãy nhớ dùng găng tay và tất khi đi ra ngoài. Hạn chế rửa chân, tay bằng nước lạnh với xà phòng; rèn luyện thói quen dùng kem giữ ẩm sau khi rửa sạch chân, tay.

Quan trọng nữa là chú ý đến khẩu phần dinh dưỡng: Tăng cường hàm lượng vitaminA (củ cải, đậu, rau màu xanh, cá, sữa…). Ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước cũng sẽ giúp bạn giữ được làn da mềm mại trong mùa đông lạnh giá.

Lê Phương

(Theo Chinadaily)