Phát triển làng nghề: Không thể theo tư duy dự án

(ANTĐ) - Làng nghề giải quyết lượng lao động rất lớn cho khu vực nông thôn. Hơn nữa, đây cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng để chuyển đổi cơ cấu sản xuất của khu vực này. Song, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, hầu hết các làng nghề vẫn “tự bơi”, trong khi tư duy phát triển làng nghề còn bất cập.

Phát triển làng nghề: Không thể theo tư duy dự án

(ANTĐ) - Làng nghề giải quyết lượng lao động rất lớn cho khu vực nông thôn. Hơn nữa, đây cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng để chuyển đổi cơ cấu sản xuất của khu vực này. Song, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, hầu hết các làng nghề vẫn “tự bơi”, trong khi tư duy phát triển làng nghề còn bất cập.

Mỗi làng nghề cần có 1 định hướng phát triển khác nhau

Mỗi làng nghề cần có 1 định hướng phát triển khác nhau

100% hộ nghề không tiếp cận được gói hỗ trợ

Kết quả khảo sát làng nghề của Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (CS-CL PTNNNT) cho thấy, khủng khoảng kinh tế đã có những tác động mạnh mẽ tới các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề làm hàng xuất khẩu. Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Hùng - Viện CS-CL PTNNNT cho biết, khủng hoảng kinh tế cũng làm thay đổi mạnh mẽ tới cơ cấu thị trường của các làng nghề.

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ  nổi tiếng về sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu lâu năm. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng vừa qua, ông Hùng cho biết, có tới 60% các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn bị ảnh hưởng, đặc biệt có tới 95% hộ nghề phải dừng sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ; 45-50% lao động trong làng bỏ ra thành phố tìm việc khác. Tương tự, làng nghề mây tre đan Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng trong cảnh sản xuất đình đốn, hàng nghìn lao động mất việc... Trong khi đó, kết quả khảo sát cho thấy, 100% các hộ làm nghề đều không tiếp cận được với các gói hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ và chỉ một số rất ít doanh nghiệp vừa và nhỏ ở làng nghề tiếp cận được các gói hỗ trợ này.

Trước bối cảnh đó, các làng nghề đã phải tự xoay xở bằng cách tìm về thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm. Nếu như từ năm 2007 trở về trước, sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) xuất khẩu chiếm đến 70-80%, thì sang năm 2008, tỷ lệ xuất khẩu chỉ còn 37-40%, và đến những tháng đầu năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn 20%. Sau khủng hoảng đã kéo theo một loạt các biến động như chi phí khai thác nguyên liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng... đã khiến mức độ phục hồi của hầu hết các làng nghề rất chậm.

Theo ông Hùng, đến giữa năm 2010, tốc độ phát triển trở lại của các làng nghề chỉ đạt 60-65% so với trước khủng hoảng. Anh Nguyễn Kỷ, chủ cơ sở sản xuất, xuất khẩu đồ mỹ nghệ tre hun khói tại làng nghề Xuân Lai cho biết: “Dù biết Chính phủ có các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi tới những cơ sở sản xuất như chúng tôi, song hầu hết đều không tiếp cận được. Chúng tôi tự lực xoay xở, ngoài vay mượn  người thân, thì phải vay lãi suất cao ở bên ngoài”. Ông Hùng cũng cho rằng, các làng nghề tồn tại và phát triển được là dựa vào các hộ làm nghề. Hay nói cách khác, hộ nghề là xương sống của làng nghề. Song, chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại không đến được với đối tượng này.

Cần thay đổi tư duy phát triển làng nghề

Để phát triển làng nghề bền vững, nhiều năm qua, các cấp, các ngành cùng không ít chuyên gia đã đi tìm câu trả lời. Theo đó, phải giải quyết vấn đề ô nhiễm làng nghề, vấn đề mặt bằng sản xuất... Cũng từ đây, các làng nghề bắt đầu bài toán quy hoạch điểm nghề, điểm tiểu thủ công nghiệp với mục đích đưa các hộ làm nghề trong khu dân cư tập trung vào một điểm.

Tuy nhiên, ông Lê Đức Thịnh - Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn, Viện CS-CL PTNNNT nhận định, hiện hầu hết các làng nghề đều đổ xô làm dự án làng nghề, quy hoạch làng nghề. Song, tư duy phát triển làng nghề theo lối này là tư duy dự án, phát triển làng nghề như quy hoạch đô thị. Ông Thịnh phân tích, rất nhiều làng nghề đã xây dựng được điểm công nghiệp tập trung, song giá thuê mặt bằng lại quá cao, cùng với chi phí cơ sở hạ tầng lên tới hàng tỷ đồng một suất, các hộ nghề không có điều kiện tham gia.

Theo ông Thịnh, điển hình như cụm công nghiệp - làng nghề Phú Vinh được xây dựng nhằm tiếp nhận các hộ làm nghề, đến nay, dù hoàn thành đã lâu nhưng chỉ có các doanh nghiệp vào, còn lại một diện tích lớn vẫn chưa được lấp đầy. Trong khi đó, làng nghề thì thiếu mặt bằng sản xuất. Tương tự, làng nghề Vân Hà, Thiết Úng (Đông Anh), làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cũng vậy. “Rõ ràng đây là tư duy phát triển đô thị chứ không phải làng nghề.

Địa phương nào cũng cố quy hoạch một diện tích đất, thu hồi, giải phóng mặt bằng rồi kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Cuối cùng là cho thuê mặt bằng với giá ngoài sức với của các hộ làm nghề. Như thế, rõ ràng, hướng phát triển này không mang lại hiệu quả, không giải quyết được vấn đề sống còn của các làng nghề hiện nay” - ông Thịnh nói. Do vậy, ông Thịnh cho rằng, tư duy phát triển làng nghề phải dài hơi tổng hợp chứ không thể theo kiểu đề án, dự án. Mặt khác, ông Thịnh cho hay, cũng không thể gom hết các làng nghề để định hướng phát triển như làng nghề Bát Tràng. Bởi, mỗi làng nghề lại có đặc tính riêng, khác biệt, do vậy, cần sự định hướng phát triển khác nhau.

Hải Dương