Phát hiện hàng loạt cơ sở găm hàng, tăng giá bất hợp lý khẩu trang y tế

ANTD.VN - Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh khẩu trang, phát hiện hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý và yêu cầu nhiều hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh khẩu trang, nước rửa tay tại chợ thuốc Hapulico

Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, sáng 31-1, Đội QLTT số 1 Hà Nội (Đội cơ động) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU- số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Qua kiểm tra, đội QLTT số 1 phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá. Bước đầu có dấu hiệu găm giữ hàng hóa. Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế không niêm yết giá và yêu cầu các cơ sở kinh doanh lập tức niêm yết giá và bán ngay ra thị trường số khẩu trang hiện có cũng như cam kết bán đúng giá đã niêm yết và hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng.

Trước khi có sự vào cuộc của Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hà Nội, các mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn tay-chân-miệng được các cơ sở kinh doanh tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU “thổi” với nhiều mức khác nhau. Đến thời điểm này, người dân hầu như vẫn không quan tâm đến vấn đề giá cả mà vẫn chen lấn, xô đẩy nhau để mua được hàng.

Tại các cửa hàng kinh doanh thuốc, vật tư y tế, giá khẩu trang bình thường có loại bị thổi giá đến cả chục lần. Chị Nguyễn Trang (Hoàn Kiếm- Hà Nội) cho biết, quanh bệnh viện Viêt Đức, khẩu trang 3Ply giá 200.000 đồng/ hộp; 3D mask giá 80.000 đồng/hộp; Pitta giá 80 đồng/gói (mạng bán 150.000 đồng;

Khẩu trang Tân An 100.000 đồng/ hộp nhưng chỉ 10 sau, tôi quay lại đã được báo giá 150.000 đồng/hộp. Nhân viên bán hàng cho biết lúc trước báo nhầm giá.

Theo Điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Giá cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Khoản 1 Điều 11 Luật Giá quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá); phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.

Khoản 1 Điều 46 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định số 185/2013/NĐ-CP) quy định xử phạt đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng quy định “người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.

Đối với hành vi kinh doanh hàng nhái, hàng giả là khẩu trang y tế: Nếu có căn cứ để xác định hàng hóa là hàng giả thì hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ. Ví dụ, tại Điều 13 quy định xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Đối với hành vi kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng: Chất lượng sản phẩm khẩu trang y tế được quản lý theo tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ TCVN 8389:2010 Khẩu trang y tế. Nếu có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ví dụ, Điều 17 quy định xử phạt đối với các hành vi không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu; Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng…