Phải sớm chấm dứt loạn tự phong thực phẩm hữu cơ

ANTD.VN - Nhiều tiểu thương đang lạm dụng mác thực phẩm hữu cơ để lừa người tiêu dùng, đòi hỏi cần có một quy chuẩn sát sao hơn để quản lý.

Thời gian qua, do lo ngại về an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng đã tìm đến những nguồn cung cấp thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. Đánh vào tâm lý này, nhiều tiểu thương, nhà sản xuất đã nhập nhèm, tự phong cho  sản phẩm của mình thành thực phẩm hữu cơ. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xây dựng Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đưa loại hình sản xuất này vào khuôn khổ.

Phải sớm chấm dứt loạn tự phong thực phẩm hữu cơ ảnh 1Ngành nông nghiệp muốn đưa sản xuất nông nghiệp hữu cơ vào khuôn khổ

Tràn lan thực phẩm hữu cơ tự nhận

Các loại thực phẩm rau hữu cơ, trái cây hữu cơ, gạo hữu cơ, thịt lợn hữu cơ, thịt gà hữu cơ… không còn là khái niệm xa lạ với người tiêu dùng tại các đô thị lớn. Vài năm trở lại đây, các loại thực phẩm hữu cơ được bán tràn lan trên thị trường với nhãn mác tự dán, chất lượng tự phong mà không có sự quản lý của cơ quan chức năng. Tuy vậy, do tâm lý e ngại thực phẩm bẩn nên thực phẩm hữu cơ ngày càng hút khách.

Bộ NN&PTNT nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch hay định hướng; không có chuẩn mực để đánh giá, chủ yếu do niềm tin của khách hàng, nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước. Thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện chưa phát triển, “cầu” chưa tăng tương xứng. Cũng bởi vậy mà nhà nhà, người người tham gia sản xuất, buôn bán thực phẩm đều có thể tự gắn mác thực phẩm hữu cơ để tăng sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng. 

Bộ NN&PTNT thông tin, thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang tăng trưởng rất nhanh, khoảng 10-15%/năm. Thống kê cho thấy, trên toàn thế giới, diện tích đất canh tác hữu cơ từ 11 triệu ha năm 1999 đã tăng lên 43,7 triệu ha vào năm 2014. Năm 2011 đã có 162 nước có canh tác hữu cơ, trong đó, Chính phủ nhiều nước đã ban hành tiêu chuẩn và quy định quản lý chặt chẽ đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tại Việt Nam, đến nay, chưa có một con số thống kê chính xác về diện tích canh tác sản phẩm hữu cơ. Song ước tính, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta năm 2015 ước đạt 76.000 ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010.

Phải truy được nguồn gốc

Theo Bộ NN&PTNT, xu hướng tiêu thụ các thực phẩm có chất lượng nhất là các sản phẩm hữu cơ ngày càng được quan tâm, thị trường còn nhiều dư địa để phát triển. Song, thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Cụ thể, đến thời điểm này, vẫn chưa có hành lang pháp lý và chính sách đủ mạnh cho phát triển nông nghiệp hữu cơ; chưa có quy định pháp luật nào về nông nghiệp hữu cơ trong khi tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 “Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi” không phù hợp và chưa áp dụng được vào thực tiễn. 

Đặc biệt, việc cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ chủ yếu mang tính tự phát, chưa có chuẩn mực để đánh giá nên đã xuất hiện hiện tượng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.

Bộ NN&PTNT xác định, nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng chung và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người. Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm hạn chế bất cập, tồn tại hiện nay, đồng thời giúp thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Nếu Nghị định được Chính phủ xây dựng, hoạt động sản xuất và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ  sẽ được đưa vào khuôn khổ, không còn tình trạng tự phát, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đảm bảo chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc. Thậm chí, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng sẽ được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ưu đãi vay vốn…