Phải linh hoạt trong “cứu hộ” các ngành sản xuất
(ANTĐ) - Chỉ số giá tiêu dùng đã ở mức “âm” trong 2 tháng liền. Sức mua trên thị trường vẫn chưa được cải thiện. Nhiều ngành sản xuất trong nước đang lao đao vì sức ép hàng hóa tồn đọng. Chủ trương cần kích cầu đầu tư, hồi phục thị trường đã được Thủ tướng chỉ đạo, song các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn thể hiện sự lúng túng, chưa rõ ràng trong cách thực hiện.
Những đề nghị của Hiệp hội thép VN về tăng thuế nhập khẩu suốt mấy tháng dường như bị bỏ ngỏ |
Ỳ ạch công cụ thuế
Đối tượng được quan tâm đầu tiên để kích cầu đầu tư là ngành vật liệu xây dựng. Ông Phạm Chí Cường - Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tháng 11, sức tiêu thụ thị trường thép khả quan hơn, tiêu thụ được 305.000 tấn, nhưng thực tế, các DN phải chịu lỗ từ 7-8 triệu đồng/tấn thép. Số thép này vẫn nằm trong kho của các DN thương mại. Sức tiêu thụ tăng là do các DN này cho rằng, giá thép đã xuống đáy.
Những đề nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam về tăng thuế nhập khẩu suốt mấy tháng nay dường như bị bỏ ngỏ. Bộ Công Thương đã đề nghị tăng thuế nhập khẩu phôi thép lên 5% và thuế nhập khẩu thép thành phẩm lên 20% để bảo hộ các DN thép.
Sau khi các DN thép đã giảm được lượng tồn kho trong toàn ngành xuống mức bình thường (khoảng 300.000 tấn) thì Bộ Tài chính nên giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm xuống mức 10% để tạo điều kiện cho các DN xây dựng có sản phẩm thép với giá hợp lý. Ông Nguyễn Văn Thắng - Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương hết sức bức xúc cho biết, ý kiến này của Bộ đã gửi Bộ Tài chính 2 tháng nay nhưng vừa rồi, Bộ Tài chính lại đi hỏi lại Bộ Công Thương vấn đề này?
Ông Phạm Chí Cường nhấn mạnh, kinh nghiệm từ việc đánh thuế xuất khẩu phôi thép và gạo vừa qua vẫn không được cơ quan thuế rút kinh nghiệm. Lúc giá thế giới lên cao thì Nhà nước lại tăng thuế cao khiến DN có xuất hàng cũng không thu được lợi nhuận. Hiện nay, ngành thép còn đau đầu đối mặt với thép Trung Quốc.
Đây là nước đang có lượng dư thừa thép lớn nhất thế giới, bởi không xuất được sang các thị trường đang bị khủng hoảng như Mỹ, EU. Từ ngày 1-12 tới, nước này hạ thuế xuất khẩu thép xuống 0% kèm theo khả năng miễn giảm thuế VAT cho DN, trợ giá cho DN. Trước nguy cơ bị thép Trung Quốc bóp chẹt, ứng xử của ngành thuế còn chậm chạp thì sẽ gián tiếp làm thiệt hại cho nền sản xuất trong nước.
Tương tự, đối với ngành dệt may và da giày, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu xơ sợi tổng hợp đề nghị giảm thuế xuống 0%, các nguyên liệu khác đề nghị giảm bằng mức trước năm 2007. Đề xuất này cũng đã được đưa ra lâu song cơ quan thuế vẫn im lặng. Ông Lê Văn Đạo - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu không giảm thuế nhập khẩu thì ngành này không thể nào thúc đẩy xuất khẩu hơn được. Bởi lẽ, dệt may phải nhập khẩu nguyên vật liệu tới 70%.
Hạ lãi suất cho vay chỉ là bước đầu
Hiệp hội Nhà thầu đã cho biết, nhiều DN có tâm lý “tránh bão” để đảm bảo an toàn vốn hoặc dè dặt trong các quyết định đầu tư. Nếu trước kia, các DN trúng thầu được nhiều dự án, càng làm nhanh thì càng có lãi. Trong một giai đoạn, DN có thể làm cùng lúc 3-4 dự án khác nhau vì huy động được vốn. Giờ đây, DN phải vừa làm, vừa trông chừng, nghe ngóng thị trường. Xu thế dựa vào các vốn vay giảm đi nhiều.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, lãi suất cơ bản hiện nay giảm 11%, vẫn cao hơn 1-2% so với năm 2007 và vẫn là cao so với khả năng của các DN xây dựng nói chung. Ông Huy kiến nghị, Chính phủ nên đưa tỷ lệ lãi suất về mức 9-10% như mức năm 2006 phù hợp với khả năng của DN. Tuy nhiên, sự nới lỏng tín dụng này không có nghĩa là hạ chuẩn cho vay của ngân hàng. Nhà nước sẽ phải cân đối ngoại tệ, nội tệ để có quyết định chính xác. Đây là yếu tố kích thích đầu tư cần thiết, nhưng chỉ là bước khởi đầu.
Nếu như giảm phát xảy ra thì đó cũng là hệ quả của sự đầu tư đi xuống hoặc giậm chân tại chỗ. Chủ trương kích cầu lúc này đã được nhiều ý kiến đồng tình song, bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng không quên nhắc lại, lạm phát vừa qua chính là hệ quả của kịch bản tiêu tiền quá nhiều của Nhà nước. Bên cạnh đó, cái gốc để có thể kích cầu đầu tư hiệu quả trong bối cảnh này còn phải là cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ thủ tục hành chính...
Phạm Huyền