- Hai ông Trần Bá Dương và Trần Đình Long vào danh sách tỷ phú USD thế giới
- Cổ phiếu VIC và VRE "leo dốc", ông Phạm Nhật Vượng lọt top 500 tỷ phú giàu nhất thế giới
- Nguyên Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng: 3 điểm trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ là cú sốc cho doanh nghiệp
Trước đó, đầu tháng 3/2018, trong danh sách các tỷ phú USD thế giới được Forbes công bố, hai ông Trần Đình Long và Trần Bá Dương đã lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách với tổng tài sản lần lượt là 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.756 thế giới và 1,8 tỷ USD, xếp hạng 1.339 thế giới.
Lúc đó, ông Trần Đình Long được Forbes mô tả là người thành lập Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, nhà phân phối phụ tùng và thiết bị máy móc thiết bị tại Hà Nội vào năm 1992. Hòa Phát đang sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép, thép xây dựng và được xem là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong danh sách công bố đầu tháng 12, ông Trần Đình Long bất ngờ “biến mất” khỏi bảng xếp hạng này. Nguyên nhân chính được cho là đến từ những biến động theo hướng tiêu cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi hầu hết các mã cổ phiếu đều suy giảm.
Tài sản ông Trần Đình Long suy giảm mạnh do cổ phiếu HPG mất giá
Trong đó, tính từ thời điểm đạt đỉnh hồi đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã “bốc hơi” gần 50%, từ mức 66.700 đồng xuống chỉ còn quanh mức 34.000 đồng. Đây là lý do khiến tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, nhìn vào kết quả kinh doanh của Hòa Phát trong cả 3 quý đầu năm vẫn thể hiện mức tăng trưởng đáng nể với gần 42.000 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý 3-2018, lợi nhuận sau thuế đạt mức cao nhất với hơn 2.400 tỷ đồng.
Cùng với Hòa Phát, cổ phiếu VJC (VietJet) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng giảm từ mức đỉnh 171.000 đồng hồi tháng 3 về chỉ còn quanh mức 130.000 đồng hiện tại. Mã HDB do bà Thảo sở hữu trực tiếp và đại diện sở hữu cũng suy giảm từ mức hơn 43.000 đồng xuống 30.000 đồng/ cổ phiếu.
Thống kê tại Forbes, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện chỉ còn 2,6 tỷ USD, xếp vị trí thứ 879 (thay vì 3,1 tỷ USD xếp thứ 766 hồi tháng 3/2018).
Trong khi đó, ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco) dù tài sản chỉ còn 1,7 tỷ USD (so với 1,8 tỷ USD hồi tháng 3) nhưng được thăng hạng từ vị trí thứ 1.339 lên 1.332.
Riêng ông Phạm Nhật Vượng vẫn tiếp tục đứng vững trong danh sách này khi tăng từ vị trí thứ 499 lên vị trí thứ 220 với việc tài sản tăng từ 4,3 tỷ USD lên 6,7 USD trong vòng 9 tháng. Trong rổ tài sản chứng khoán của ông Vượng, cổ phiếu VIC đi ngược thị trường, không ngừng tăng từ quanh mức 80.000 đồng lên trên dưới 100.000 đồng hiện nay.
Riêng ông Phạm Nhật Vượng vẫn không ngừng "thăng hạng" trong dánh sách tỷ phú Forbes
Đáng kể, ngày 17/5, Tập đoàn Vingroup chính thức đưa 2,68 tỷ cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes lên sàn chứng khoán - trở thành doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn thứ 2 thị trường Việt Nam, chỉ đứng sau công ty mẹ là Vingroup.
Trong cơ cấu cổ đông của Vinhomes, Vingroup nắm giữ hơn 1,866 tỷ cổ phiếu VHM tương đương tỷ lệ 69,66%. Ông Phạm Nhật Vương, Chủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch Công ty cổ phần Vinhomes đang đại diện cho VIC nắm giữ 933 triệu cổ phiếu VHM (37,83%).