Nông sản đồng loạt “lao dốc”

ANTĐ - Các loại nông sản hiện đang mất giá, trong số 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính, chỉ còn duy nhất hạt tiêu là giữ được giá, còn lại, đều đang trên đà giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Việt Nam vẫn thiếu một tầm nhìn dài hơi cho sản xuất nông nghiệp

Rớt giá thê thảm

Hiện cả nước đang bước vào vụ thu hoạch lúa. Miền Bắc, miền Trung thu hoạch với vụ Đông Xuân, khu vực đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa Hè Thu. Bởi vậy, giá lúa nhiều tuần qua đã giảm “thê thảm”. Tại các cánh đồng ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang… thương lái thu mua lúa ngay tại ruộng với giá từ      3.800 - 4.100 đồng/kg, và đang tiếp tục xu hướng giảm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, tình hình hiện rất khó khăn cho người nông dân. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang liên tục gọi điện thông báo và rất lo lắng, đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành nhanh chóng tìm biện pháp hỗ trợ nông dân khu vực này. 

Không chỉ lúa gạo, theo Bộ trưởng, hầu hết các loại nông sản đều đang mất giá như cá tra hiện chỉ còn từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, giá cao su đã giảm đến 31% so với cùng kỳ năm ngoái, giá thực phẩm như gia cầm, thịt lợn cũng giảm đến   20-40%... Nông dân trên khắp cả nước điêu đứng vì nông sản được mùa nhưng mất giá. 

Sau lúa gạo, “nóng” tình hình giá cả hiện nay là mặt hàng dừa. Dừa tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Bến Tre… bán rẻ như cho nhưng thương lái vẫn không thu mua. Tỉnh Phú Yên hiện có 1.800ha dừa. Từ năm ngoái trở về trước, dừa Phú Yên có giá từ 13.000 - 15.000 đồng/quả. Hiện nay, dừa chỉ còn 3.000 đồng/quả, nông dân đang lỗ công đầu tư, chăm sóc. Các vùng dừa đang đến kỳ thu hoạch mà nông dân không muốn hái. Còn tại Bình Định, từ đầu mùa vụ đến nay, giá dừa cũng chỉ ở mức từ 1.500 - 5.000 đồng/quả. Thời điểm này năm ngoái, giá dừa dao động ở mức khá cao, từ 8.000 - 13.000 đồng/quả. Có tình trạng trên là do năm nay, dừa được mùa, sản lượng thu hoạch ở các địa phương đều cao, bởi vậy bị thương lái nước ngoài ép giá, mà phần đông là thương lái từ Trung Quốc.

Thiếu chiến lược dài hơi

Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương APCC đã nhiều lần gợi ý Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng trong việc phát triển mạnh ngành công nghiệp dừa, tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho cây dừa Việt Nam. Đến nay, ngay ở một tỉnh có truyền thống trồng dừa như Bến Tre mà việc quy hoạch mới khởi động ở khâu phát triển diện tích dừa, chưa có bộ phận chuyên sâu theo dõi diễn biến năng suất, giá cả dừa và các sản phẩm từ dừa của các nước để có thông tin kịp thời cho doanh nghiệp và nông dân. Khi giá dừa giảm  ‘‘thê thảm’’ thì tỉnh Bến Tre mới có chỉ thị về việc ổn định giá dừa nguyên liệu, và Sở  NN&PTNT Bến Tre mới vận động nông dân không vội vàng đốn dừa vì sự khủng hoảng có chu kỳ, sẽ có lúc giá dừa được cải thiện. Tuy nhiên, dù chỉ đạo các doanh nghiệp trong nước thu mua dừa để ổn định cho bà con, song tỉnh Bến Tre lại không tìm được đầu ra, thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, vì vậy, bế tắc vẫn hoàn bế tắc.

Để tháo gỡ phần nào khó khăn trên cho nông dân, Bộ trưởng  Cao  Đức Phát cho biết, trong tuần này, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với các tỉnh khu vực ĐBSCL để có biện pháp hỗ trợ nông dân, đồng thời, Bộ cũng sẽ bàn bạc với các Bộ khác cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam tìm mọi cách tiêu thụ lúa với giá có lợi cho người nông dân. Ngoài ra, trong vụ tới, sẽ theo sát thị trường để có định hướng về diện tích sản xuất cũng như về số lượng, chủng loại cho người dân. Tập trung vào những cây trồng, vật nuôi vẫn tiêu thụ được, vẫn có lãi. Còn với những mặt hàng nào làm mà lỗ thì phải có sự điều chỉnh. “Bộ NN&PTNT sẽ nhanh chóng phối hợp các bộ, ngành, tùy theo các loại cây trồng vật nuôi đề xuất biện pháp cụ thể để hỗ trợ. Ví dụ, với cây dừa, Bộ đang kiến nghị với Bộ Tài chính bỏ thuế xuất khẩu dừa. Hiện, chúng ta đang khó bán dừa, giá dừa thấp mà vẫn bị đánh thuế 3%”, ông Phát nói.

Một nền nông nghiệp muốn phát triển mạnh, không thể cứ mãi với những biện pháp ngắn hạn, mà cần một chiến lược, tầm nhìn dài hơi hơn.

Chất độc hại trong táo ở mức an toàn


Đó là kết luận của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) sau hơn 1 tuần lấy mẫu kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật các loại táo đang lưu thông trên thị trường. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, ngay sau khi có thông tin, nông dân trồng táo Trung Quốc dùng túi nilon có tẩm chất độc để bọc táo từ khi còn non trên cây, Cục này đã lấy 40 mẫu táo Trung Quốc tại các chợ đầu mối trên thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra. Các mẫu trên được 2 trung tâm kiểm nghiệm của Cục phân tích. Cụ thể, kết quả phân tích các mẫu táo phát hiện một số mẫu táo có chứa hóa chất độc hại Thiram với hàm lượng 0,08 ppm, thấp hơn 100 lần so với ngưỡng cho phép là 2 ppm. Bên cạnh đó, 15 mẫu phát hiện có hóa chất Aren ở mức từ 0,02 - 0,11 ppm cũng nằm trong ngưỡng cho phép (dư lượng tối đa được phép là 1 ppm).

Ngoài ra, một kết quả xét nghiệm mẫu táo do Cục tiến hành cũng cho thấy có khoảng 30% mẫu táo chứa dư lượng thuốc BVTV nhưng đều nằm dưới ngưỡng cho phép. Do vậy, phía Cục BVTV kết luận táo Trung Quốc được nhập khẩu có mặt trên thị trường đảm bảo theo yêu cầu, chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.