Nóng "cuộc đua" lãi suất: Xuất hiện lãi suất 8%/năm ở kỳ hạn 6 tháng

ANTD.VN - Mức lãi suất 8%/năm đã xuất hiện ở kỳ hạn 6 tháng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhỏ.

Theo thông báo mới nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động VND kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này hiện áp dụng ở mức 8,03-8,21%/năm đối với tiền gửi online.

Cụ thể, với số tiền gửi dưới 1,5 tỷ có lãi suất 8,03%/năm, từ 1,5 tỷ đến dưới 4 tỷ có lãi suất 8,09%, từ 4 tỷ đến dưới 10 tỷ có lãi suất 8,15%/năm, gửi từ 10 tỷ trở lên có lãi suất 8,21%/năm.

Còn với các kỳ hạn 13 tháng - 36 tháng, lãi suất huy động VND được ngân hàng này áp dụng ở mức 8,76%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay đối với sản phẩm gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện mức lãi suất từ 8% năm đã xuất hiện ở một vài ngân hàng cổ phần nhỏ. Ngoài SCB, hiện NamABank và CBBank cũng áp dụng lãi suất 8%/năm với tiền gửi online.

Nóng "cuộc đua" lãi suất: Xuất hiện lãi suất 8%/năm ở kỳ hạn 6 tháng ảnh 1

"Cuộc đua" lãi suất đã nới rộng chênh lệch lãi suất ở tất cả các kỳ hạn

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đang áp dụng mức lãi suất khá cao cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng như: MSB, VPBank và GPBank có lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 7,5-7,6% với điều kiện số tiền gửi hơn 500 triệu đồng; Eximbank và BacABank là 7,5%/năm với gửi tiết kiệm trực tuyến; NCB, VietCapitalbank, VietABank, BaoVietBank (7,4%/năm) và PVcombank (7,3%/năm)...

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các ngân hàng thương mại Nhà nước như Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank vẫn duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ngắn hạn ở mức thấp, không quá 5,5%/năm.

Tương tự, đối với tiền gửi trung và dài hạn, lãi suất cũng coa sự phân hóa lớn. Ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, mức lãi suất trên 8%/năm rất phổ biến. Vó thể kể đến ABBANK, VietcapitalBank, BacABank, OCB... với lãi suất dao động 8,1 - 8,7%/năm tùy kỳ hạn hoặc số tiền gửi.

Thống kê của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 1 năm của các ngân hàng thương mại đã tạo đáy trong năm 2016 - 2017 và liên tục tăng từ cuối năm 2018. Tác động lan tỏa lên lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (tiền gửi 6 – 12 tháng) có phần chậm hơn.

Từ đầu quý III/2019, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn bắt đầu nhích 0,15 điểm phần trăm so với đầu năm. Trong đó, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn trên 1 năm hiện là 6,95%, kỳ hạn 6 tháng - 1 năm là 6,15% cao nhất kể từ năm 2015.

Diễn biến này là hệ quả của chính sách kiểm soát an toàn thanh khoản (thông qua tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn) và tỷ lệ an toàn vốn (tiến đến áp dụng Basel II) trong hệ thống ngân hàng.

VDSC cũng dự báo rằng, lực tăng lãi suất huy động vẫn cao trong giai đoạn cuối năm 2019 khi mà Dự thảo thay thế thông tư 36/2014/TT-NHNN giảm tỷ lệ tối đa cho vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống 35% hoặc 37% từ ngày 1/7/2020 từ mức 40% hiện nay.