Nói ngọng ở trẻ em bị khe hở vòm miệng
(ANTĐ) - Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều trường hợp trẻ em bị hở hàm ếch bẩm sinh, mặc dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn gây ra tật nói ngọng. Nếu không được điều trị, tật này có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống các em hiện tại cho đến khi trưởng thành.
Cần được phẫu thuật kịp thời
Cần phẫu thuật để mang lại nụ cười cho trẻ em thiệt thòi (ảnh có tính chất minh họa) |
Hở vòm miệng (hay còn gọi là hở hàm ếch) là một dị tật bẩm sinh với nhiều mức độ khác nhau, nhẹ nhất là tách đôi lưỡi gà và nặng nhất là tách toàn bộ vòm mềm và xương khẩu cái. Sự biến dạng của vòm miệng dẫn đến tình trạng rối loạn phát âm và một số rối loạn khác về chức năng hô hấp, ăn uống và thính giác.
ở người bình thường, vòm miệng có chức năng ngăn cách khoang miệng và khoang mũi, thực hiện tốt chức năng ăn uống, tạo các khoang cộng hưởng cho quá trình phát âm. Vòm mềm cùng với thành hầu họng có vai trò như một van đóng mở giữa khoang mũi và họng giúp phát âm một cách bình thường. Khi phát âm một số phụ âm mũi (m, n, ng), hoặc nguyên âm kép (anh, ông, ang…) vòm mềm phải được hạ xuống và khí được thoát từ miệng lên mũi. Ngược lại, khi phát âm các âm miệng, vòm mềm được nâng lên và đóng kín vào thành họng sau nhằm tránh thoát khí lên khoang mũi.
Đối với trẻ bị dị tật khe hở vòm miệng, dù là khe hở vòm mềm hay toàn bộ khe hở vòm cứng, do sự thông nhau giữa khoang miệng và khoang mũi nên chắc chắn sẽ gây ra những rối loạn về phát âm. Nếu không được phẫu thuật tạo hình lại vòm miệng, các rối loạn về phát âm như nói ngọng, nói giọng mũi, giọng họng… sẽ ngày càng trầm trọng.
Thời gian thích hợp để phẫu thuật sửa chữa dị tật này là từ một đến hai tuổi, đây là giai đoạn trẻ có thể khắc phục nhanh những rối loạn về phát âm. Nếu để đến 10-15 tuổi khi những lỗi phát âm đã trở thành thói quen mới đi phẫu thuật thì khả năng khắc phục tình trạng nói ngọng rất khó khăn. Nhưng nếu rèn luyện kiên trì và theo học các lớp phục hồi chức năng cũng sẽ cải thiện được nhiều.
Những trẻ đã được phẫu thuật mà vẫn nói ngọng là do những nguyên nhân sau: Phẫu thuật đóng kín khe hở vòm chưa đủ để vòm mềm hoạt động một cách bình thường, xuất hiện lỗ thông ở vòm miệng làm thoát khí từ miệng lên mũi, sau phẫu thuật trẻ không được luyện tập về vòm mềm và các cơ miệng một cách thỏa đáng và trẻ không được tập luyện cách phát âm mới.
Kèm theo sự kiên trì
Sau khi phẫu thuật, để cải thiện hoàn toàn cách phát âm của trẻ có thể áp dụng phương pháp massage vòm miệng bằng ngón tay trỏ nhiều lần trong ngày để vết mổ mềm mại, tạo điều kiện cho vòm miệng hoạt động được bình thường. Thường xuyên cho trẻ tập thổi bóng hay thổi ống trong cốc nước nhằm tăng cường hoạt động của các cơ ở miệng và vòm họng.
Trong một số trường hợp, khe hở vòm chưa được đóng kín hoàn toàn do còn một khe hở ở vòm cứng hay vòm mềm, cần đến khám bác sĩ phẫu thuật để đánh giá mức độ hoạt động phát âm của vòm mềm, độ lớn của lỗ thông trên vòm miệng. Thời gian thích hợp nhất để đóng kín lỗ thông này là khoảng 4 - 5 tuổi, lứa tuổi trước khi trẻ đi học.
Song song, trẻ cần được thực hiện một chương trình luyện phát âm theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Trong đa số các trường hợp, rối loạn về phát âm sẽ được khắc phục và sau đó trẻ có thể phát âm hoàn toàn bình thường.
Trường hợp xấu nhất nếu tình trạng nói ngọng không cải thiện ngay cả khi đã theo các khóa luyện tập phát âm, cần cho trẻ đến bác sĩ tạo hình để kiểm tra và đánh giá tình trạng thiểu năng vòm hầu, nguyên nhân chính dẫn đến những rối loạn phát âm của trẻ. Sau đó bác sĩ sẽ quyết định có nên phẫu thuật chỉnh lại vòm hầu hay không. Nguyên tắc của loại phẫu thuật này là làm thu nhỏ lỗ hầu mũi và giảm tình trạng thoát khí lên mũi khi trẻ phát âm.
Tóm lại, để khắc phục tật nói ngọng quan trọng nhất là sự luyện tập kiên trì đúng cách của trẻ dưới sự quan tâm, theo dõi sát sao của bố mẹ. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có sự kết hợp rối loạn phát âm với tình trạng thay đổi tâm lý, cần đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý để điều trị. Có nhiều trẻ do bị nói ngọng sẽ có những biểu hiện thay đổi tâm lý như tình trạng mặc cảm, sợ đám đông, ngại giao tiếp với bạn bè, cảm giác sợ hãi khi phải nói chuyện…
Cần điều trị tốt những rối loạn tâm lý này việc điều trị về phát âm sẽ có hiệu quả nhanh chóng hơn.
BS. Nguyễn Thiết