Nở rộ lữ hành "chui"

Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch (TCDL) cho thấy, trong quý I/2007 đã có 145,5 nghìn lượt du khách Hàn Quốc đến Việt Nam, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng trên thực tế, các công ty du lịch đang phải khoanh tay nhìn du khách Hàn Quốc đến Việt Nam thông qua những hãng lữ hành hoạt động "chui".

Nở rộ lữ hành "chui"

Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch (TCDL) cho thấy, trong quý I/2007 đã có 145,5 nghìn lượt du khách Hàn Quốc đến Việt Nam, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng trên thực tế, các công ty du lịch đang phải khoanh tay nhìn du khách Hàn Quốc đến Việt Nam thông qua những hãng lữ hành hoạt động "chui".

Trong quý I/2007 đã có 145,5 nghìn lượt du khách Hàn Quốc đến Việt Nam

Trong quý I/2007 đã có 145,5 nghìn lượt du khách Hàn Quốc đến Việt Nam

Hằng ngày tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, người ta vẫn thấy có một số người Hàn Quốc luôn có mặt trước ga đến quốc tế. Thoạt nhìn cứ tưởng họ đến đón bạn bè, thân nhân sang Việt Nam nhưng một tài xế taxi - thường xuyên đón khách tại sân bay - cho biết: "Mấy ông đó là hướng dẫn viên (HDV) du lịch. Hầu như ngày nào tui cũng gặp, họ đến đón mấy đoàn khách du lịch sang Việt Nam".

Tại hội nghị "Giải pháp tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam" do TCDL tổ chức cuối tháng 4.2007, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) khẳng định hiện có hơn 100 HDV "chui" người Hàn Quốc vẫn thường xuyên đón khách trái phép trước sân bay Tân Sơn Nhất. Theo Luật Du lịch, HDV nước ngoài không được phép hoạt động tại Việt Nam. Thanh tra TCDL cho biết, có ba kiểu kinh doanh du lịch "chui" tại Việt Nam: Thứ nhất, các công ty không có chức năng kinh doanh lữ hành nội địa nhưng vẫn tự tổ chức bán tour cho khách để trốn thuế; thứ hai là HDV tự "đánh quả" hoặc người trong các khách sạn tự tìm khách; cuối cùng là núp bóng các công ty nước ngoài để hoạt động.

 Hiện nay, mức phạt hành chính đối với các DN kinh doanh lữ hành "chui" chỉ ở mức 10 triệu đồng. Theo ông Phạm Huỳnh Công, Chánh thanh tra TCDL, mức phạt này là quá nhẹ. Lực lượng thanh tra du lịch trên cả nước hiện có khoảng 40 người trong khi cả nước có 556 đơn vị được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế và hơn 5.000 DN kinh doanh lữ hành nội địa nên không thể nào kiểm tra hết tất cả các DN.

Chúng tôi làm quen với một đoàn khách Hàn Quốc đang đi tham quan thương xá Tax trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Một du khách tên Cho chỉ vào một người Hàn Quốc khác đang huyên thuyên với nhóm khách, cho biết: "Anh ta là HDV của chúng tôi. Tôi mua tour đến Việt Nam thông qua một văn phòng du lịch tại Seoul (Hàn Quốc). Đến Việt Nam được HDV này đón ngay tại sân bay. Vậy cũng tốt vì dù sao chúng tôi cũng là đồng hương, anh ta đã ở lâu tại Việt Nam nên rất thông thạo". Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số HDV người Hàn Quốc hoạt động "chui" tại Việt Nam đều do những công ty du lịch ở Hàn Quốc cử sang, một số ít trong đó là sinh viên đang du học hoặc đang làm việc tại Việt Nam. 

Hiện nay tại Việt Nam chỉ có 2 doanh nghiệp (DN) du lịch liên doanh với Hàn Quốc được cấp phép hoạt động là Công ty TNHH VTA và Công ty TNHH VTB. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó giám đốc Công ty TNHH VTA cho biết: "Những DN kinh doanh có đăng ký trong nước khó cạnh tranh nổi với các DN hoạt động "chui". Họ vừa có nguồn khách sẵn lại vừa trốn thuế nên bán tour với giá rẻ hơn các DN trong nước". Một hạn chế nữa là các DN du lịch trong nước quá thiếu HDV du lịch biết tiếng Hàn.

Ông Hạnh cho biết, trung bình mỗi tháng công ty VTA đón khoảng 3.000 - 4.000 khách và để giải quyết việc thiếu HDV biết tiếng Hàn, công ty này phải bố trí một người Hàn Quốc đi cùng. Công ty phải tổ chức đào tạo về kiến thức du lịch cho những người Hàn Quốc này. Ông Phạm Huỳnh Công, Chánh thanh tra TCDL nhận định: "Tình hình kinh doanh lữ hành "chui" đã đến mức phổ biến, đáng báo động. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cơ quan công an, thanh tra du lịch để ngăn chặn".

Trung Bảo

Thanh Niên