Nở rộ cửa hàng đồng giá "ngoại"

ANTD.VN - Hơn 3 năm trở lại đây, tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, TP.HCM… chuỗi cửa hàng đồng giá của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc liên tục được mở ra. Hàng hóa phong phú, giá cả phải chăng là ưu điểm nổi bật của các chuỗi cửa hàng đồng giá này.

Nở rộ cửa hàng đồng giá "ngoại" ảnh 1Không gian mua sắm hấp dẫn của chuỗi đồng giá Miniso

Là một trong những chuỗi cửa hàng đồng giá của Nhật Bản có mặt sớm nhất tại Việt Nam, Daiso mở điểm bán tại Hà Nội sau khi đã mở những cơ sở kinh doanh tại TP.HCM. Mức đồng giá tại chuỗi cửa hàng này chỉ 40.000 đồng/sản phẩm nên phù hợp với thu nhập ở mức trung bình của đông đảo người tiêu dùng Việt Nam.

Tại Nhật Bản, Daiso được xem là 1 trong 4 chuỗi cửa hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch thì tại Việt Nam, chuỗi cửa hàng này cũng cung cấp những sản phẩm thiết yếu, nhỏ gọn như: sản phẩm làm bếp, làm vườn, hóa mỹ phẩm, thời trang, tinh dầu… phù hợp với nhu cầu của người dân đô thị.

Cùng mức đồng giá 40.000 đồng/sản phẩm nhưng Komonoya lại được biết đến khi đặt điểm kinh doanh tại hệ thống siêu thị BigC. Đa số khách hàng được hỏi đều nghĩ rằng 2 thương hiệu này cùng của doanh nghiệp tới từ Nhật Bản nhưng thực tế, đơn vị quản lý nhượng quyền Komonoya là Tập đoàn Central Group (Thái Lan). Sau khi liên tiếp thâu tóm chuỗi siêu thị BigC (ngành hàng bách hóa) và Nguyễn Kim (ngành hàng điện máy), Central Group đã đưa về Việt Nam thương hiệu Komonoya để trực tiếp cạnh tranh với Daiso trong mô hình chuỗi cửa hàng đồng giá.

Tại Hà Nội, chuỗi cửa hàng đồng giá từ 43.000 đồng/sản phẩm phải kể đến là Miniso. Miniso có mặt tại Việt Nam theo hình thức nhượng quyền thương hiệu bởi Tập đoàn Lê Bảo Minh - nhà phân phối độc quyền của Canon (Nhật Bản). Cơ cấu hàng hóa tương tự như Daiso, Miniso cũng chọn vị trí gần những nơi có nhiều văn phòng, công sở để kinh doanh. Chuỗi cửa hàng này cũng đã có mặt tại miền Nam và miền Trung. Theo kế hoạch, ngày 7-8 tới, Miniso sẽ khai trương cửa hàng thứ 11 tại Hà Nội. 

Mô hình cửa hàng đồng giá xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2006. Vị trí trung tâm thành phố, gần trường học là nơi tập trung của nhiều cửa hàng dạng này. Mức giá 5.000-10.000 đồng khi đó có thể cho phép giới học sinh sắm được bút và vở viết. Phụ nữ cũng là khách hàng đóng góp lượng doanh thu cho cửa hàng đồng giá. Tuy nhiên, mô hình này thực sự bùng nổ từ năm 2013 khi các tên tuổi có tiếng, thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức nhượng quyền.

Cùng với đó, không ít  cửa hàng đồng giá thấp từ 5.000-10.000 đồng/sản phẩm của ông chủ người Việt Nam nhanh chóng bị đóng cửa do cách bài trí chưa đẹp mắt, giá hàng hóa quá rẻ nên ít chọn lọc, không cạnh tranh được. 

Theo một chuyên gia thị trường, mô hình cửa hàng đồng giá vẫn hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm ưu thế ở mô hình này. “Cơ cấu ngành hàng không có gì đặc biệt nhưng họ khôn ngoan đã lựa chọn mức đồng giá hợp lý, để người tiêu dùng chọn sản phẩm đáng mua.

Thông thường, các cửa hàng đồng giá thường lựa chọn hàng theo nguyên lý là khoảng 10% giá cao hơn mức đồng giá, 90% còn lại là thấp hơn để kinh doanh có lãi, nên nếu mức đồng giá quá thấp, cơ cấu hàng sẽ không bộc lộ rõ điều này, người kinh doanh không thể chọn hàng chất lượng cao, hàng hóa bị đánh đồng là rẻ tiền. Bên cạnh đó, cách bài trí cửa hàng, thái độ nhân viên, mẫu mã hàng hóa có đặc trưng riêng (dù nhiều món hàng sản xuất tại Trung Quốc) vẫn thu hút hơn hẳn” - vị chuyên gia nói.