Bịt kẽ hở chuyển giá (1)

Những cái tên trong “danh sách đen”

ANTĐ - Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài sau hàng chục năm đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam vẫn không ngừng mở rộng quy mô nhưng lạ cái là lại liên tục báo lỗ. Và lỗ thì đương nhiên không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào vào ngân sách.  Dấu hiệu chuyển giá của các doanh nghiệp này đã  rõ  nhưng để chứng minh và truy thu được khoản tiền các doanh nghiệp đã trục lợi qua hoạt động chuyển giá lại là một câu chuyện dài. 

Những cái tên trong “danh sách đen” ảnh 1Sau Metro, cơ quan thuế sẽ tiếp tục mạnh tay đấu tranh với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá

Điểm mặt “đại gia” chuyển giá

Chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu. 

Năm 2013, cơ quan thuế phát hiện Công ty Hualon Corporation, vốn 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan - British  Virgin Island, hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Nhơn Trạch, Đồng Nai) chuyên về sản xuất sợi và dệt vải liên tục báo lỗ trong gần 20 năm. Đây là một điển hình về chuyển giá thông qua giá mua tài sản cố định từ công ty liên kết nước ngoài. 

Tính đến cuối năm 2010, công ty này đã lỗ lũy kế tới hơn 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân gây lỗ được khai báo chủ yếu là do đầu tư dây chuyền thiết bị chuyên dụng giá đắt, mua nguyên vật liệu đầu vào cao, trong khi giá bán không đủ bù đắp chi phí. Chiêu trò của doanh nghiệp này bị cơ quan thuế phát hiện khi nhập khẩu dây chuyền sản xuất có giá trị 400.000 USD nhưng khi khai báo đã đẩy lên gấp 40 lần (16 triệu USD). Với việc nâng khống đầu vào, doanh nghiệp này đã qua mặt ngành thuế để báo số lỗ lũy kế lên tới 956,2 tỷ đồng. Kết quả thanh tra đã phơi bày sự thật, từ chỗ lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh thành có lãi, qua đó cơ quan thuế truy thu được hơn 78 tỷ đồng. 

Cơ quan thuế cho biết, để xác định được hành vi chuyển giá của Hualon, cán bộ thanh tra phải lấy dữ liệu giá của hàng nghìn doanh nghiệp dệt may trong nước làm số liệu so sánh độc lập. Từ đó mới phát hiện được những sai phạm, bất hợp lý về giá cũng như hoạt động chuyển giá. 

Đình đám không kém là phi vụ của đại gia bất động sản Hàn Quốc - Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina. Sau 5 năm vào Việt Nam, công ty này liên tục báo lỗ. Tuy nhiên, sau thanh tra, cơ quan thuế đã xác minh, loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý, doanh nghiệp này đã phải điều chỉnh 1.220 tỷ đồng. Toàn bộ số lỗ công ty này khai báo phát sinh giai đoạn 2007-2011 đã được điều chỉnh giảm hết, qua đó cơ quan thuế truy thu được số tiền hơn 95 tỷ đồng. 

Cơ quan thuế chỉ rõ, tháng 10-2007, sau 3 tháng được cấp phép, Keangnam Vina đã ký hợp đồng với công ty Keangnam Enterprise - một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu với giá trị hợp đồng lên tới 871 triệu USD. Với hợp đồng trên, Keangnam Enterprise đảm nhiệm việc khảo sát, thiết kế dự án, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng đồng thời cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính, thu xếp vốn vay cho Keangnam Vina.

Chỉ tính riêng năm 2008, Keangnam Vina đã chi trả cho Keangnam Enterprise số tiền lên tới 30 triệu USD khoản phí tư vấn tài chính, 20 triệu USD phí dịch vụ thu xếp vốn vay...  Với cách làm này, trên sổ sách, Keangnam Vina khai lỗ liên tục, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, tổng thầu EPC Keangnam Enterpise ở Hàn Quốc hưởng lãi lớn do chỉ phải nộp thuế nhà thầu cho Việt Nam với thuế suất thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập doanh nghiệp.

Danh sách dài những nghi ngờ

Theo Tổng cục Thuế, những năm gần đây, tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển giá rồi kê khai thua lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ trong suốt quá trình hoạt động. 

Bắt đầu từ năm 2012, công cuộc chống chuyển giá được ráo riết thực hiện. Hàng loạt những tên tuổi lớn đang đầu tư tại Việt Nam được cơ quan thuế đưa vào “tầm ngắm”. Đầu tiên có thể kể đến là Công ty Coca-Cola Việt Nam. Số liệu của Cục Thuế TP.HCM chỉ ra rằng, trong 10 năm hoạt động kể từ khi thành lập, Coca-Cola Việt Nam luôn lỗ ở mức trên 100 tỷ đồng/năm, có năm số lỗ chiếm gần 1/3 doanh thu. Trong 2 năm 2006 - 2007, công ty lỗ tương ứng lên tới 228 tỷ đồng và 198 tỷ đồng. Năm 2010, doanh thu của đơn vị này đạt 2.529 tỷ đồng nhưng chi phí lên đến 2.717 tỷ đồng và số lỗ là 188 tỷ đồng. Tính lũy kế đến ngày 30-9-2011, công ty này đã lỗ tới 3.768 tỷ đồng.

Một cái tên đình đám khác là Adidas cũng nằm trong danh sách nghi vấn chuyển giá của Tổng cục Thuế. Theo cơ quan thuế, giao dịch giữa công ty này và các bên liên quan gồm Adidas AG, Adidas Singapore, Adidas International Trading B.V. có thể là các giao dịch liên kết. Ngoài ra, hàng loạt tên tuổi lớn như Pepsico, Nestlé, Google, Facebook... cũng được đưa vào danh sách của Tổng cục Thuế.