Nhu cầu tiêu dùng cao, Hà Nội liên kết cung cầu hàng hóa với nhiều địa phương

ANTD.VN - Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố đã kết nối cung ứng hàng hóa, đặc sản của các địa phương để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và du khách đến Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đánh giá cao việc kết nối cung cầu giữa Hà Nội và các địa phương

Chiều 21-11, UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương kết nối cung- cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn TP hiện vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, hàng năm, Hà Nội còn đón trên 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó, gần 6 triệu lượt khách quốc tế.

“Về tiềm năng thị trường, hiện nay Hà Nội được đánh giá là thị trường bán lẻ mới nổi, được bình chọn đứng thứ 13/19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới; Lọt vào top 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vì vậy, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố cùng một chuỗi sự kiện liên kết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của Hà Nội và các địa phương một cách ổn định, bền vững”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay.  

Đặc sản vùng miền được giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô

Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân và du khách, Hà Nội đã tổ chức giao thương, kết nối cung - cầu với nhiều tỉnh, thành phố. Cụ thể, Hà Nội đã phối hợp với 10 tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hưng Yên, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh nhằm xây dựng và phát triển các vùng sản xuất, cơ sở sản xuất rau, thịt an toàn để cung cấp, tiêu thụ cho thị trường Hà Nội; Chủ động trong công tác kết nối sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP Hà Nội.

Theo đó, các tỉnh đã xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và 194 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận, đã phát triển thêm 84 chuỗi và tăng 12 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận so với cuối năm 2017.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, các sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh cung cấp về Hà Nội như: Điện Biên cung cấp khoảng 75 tấn rau củ (Bí xanh thơm, bí phấn thơm; rau bò khai); Vĩnh Phúc cung cấp rau củ khoảng 3.850 tấn, gà thịt 95 tấn, lợn thịt 800 tấn, thủy sản khoảng 160 tấn; Hòa Bình cung cấp khoảng 340 tấn rau các loại; 330 tấn cá sông Đà….

Trong giai đoạn 2016 - 2018, thành phố Hà Nội cũng phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 18 tuần lễ trái cây, nông sản; Đã có trên 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn TP và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Hà Nội cũng hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố đưa sản phẩm trái cây đến 766 hộ kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành và các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối.

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh, thành phố sẽ đẩy mạnh giao thương, kết nối để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn với người tiêu dùng; Hỗ trợ đưa sản phẩm đặc sản vùng miền vào các kênh phân phối tại Hà Nội để mở rộng kênh phân phối sản phẩm trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các địa phương, tối nay (21-11), hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam và triển lãm mỗi làng một sản phẩm- OVOP 2018 sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall - Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Từ ngày 21 đến 25-11-2018, Hội chợ sẽ giới thiệu các nhóm sản phẩm như: thực phẩm, đồ uống, gia vị, thảo dược như: hoa hồi Lạng Sơn, quế vỏ Văn Yên, quế Trà Mi, hồ tiêu Tiên Phước, hồ tiêu Phú Quốc, đồ thủ công mỹ nghệ như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc…

Các sản phẩm được trưng bày tại hội chợ đều được đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, đa dạng và phong phú về chủng loại, là các đặc sản đặc trưng cho các vùng miền Việt Nam, có đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác rõ ràng.