Nhiều vấn đề khi ứng dụng thực phẩm biến đổi gene

(ANTĐ) - Thực phẩm biến đổi gene dù đã xuất hiện từ nhiều năm qua nhưng đến thời điểm này vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi về tính an toàn của nó. Tuy vậy, đối với ngành nông nghiệp và công nghệ sinh học, thực phẩm biến đổi gene được coi là chìa khóa đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra những sản phẩm như mong muốn.

Nhiều vấn đề khi ứng dụng thực phẩm biến đổi gene

(ANTĐ) - Thực phẩm biến đổi gene dù đã xuất hiện từ nhiều năm qua nhưng đến thời điểm này vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi về tính an toàn của nó. Tuy vậy, đối với ngành nông nghiệp và công nghệ sinh học, thực phẩm biến đổi gene được coi là chìa khóa đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra những sản phẩm như mong muốn.

Thuật ngữ thực phẩm biến đổi gene được sử dụng rộng rãi, nhằm đề cập đến các loại cây trồng áp dụng kỹ thuật phân tử tiên tiến nhất làm thực phẩm cho con người và gia súc. Các loại cây này được biến đổi gene trong phòng thí nghiệm nhằm tăng cường những đặc điểm mong muốn, sức đề kháng đối với thuốc diệt cỏ và lượng chất dinh dưỡng. Công nghệ gene có thể tạo ra những giống cây mang đặc điểm mà chúng ta mong muốn với độ chính xác rất cao. Chẳng hạn, giới nghiên cứu di truyền học có thể tách một gene có tính năng chịu hạn hán rồi cấy vào một cây khác.

Nhờ đó, cây mới được biến đổi gene cũng sẽ có khả năng chịu hạn hán. Hiện nay, trên thế giới, cây trồng biến đổi gene được phát triển rất nhiều, từ 1 triệu ha năm 1996 đến cuối năm 2008 đã lên tới 800 triệu ha tổng thể diện tích cây trồng biến đổi gene. Như vậy trên thực tế, chúng ta đã sử dụng sản phẩm biến đổi gene 15 năm qua. Trong số các sản phẩm được biến đổi gene, đỗ tương và ngô được trồng rộng rãi nhất (82%), sau đó là bông và khoai tây. 74% có tính năng kháng thuốc trừ cỏ, 19% kháng sâu bệnh, 7% vừa kháng sâu bệnh vừa kháng thuốc trừ cỏ.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng sử dụng sản phẩm biến đổi gene có thể gây hại cho môi trường và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người. Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng: Những ý kiến như vậy xuất phát từ việc thiếu hiểu biết. Trên thực tế, biến đổi gene vẫn xảy ra trong tự nhiên từ hàng nghìn năm nay, chúng ta chỉ làm công việc chọn những ưu điểm của chúng để tạo ra những thực phẩm có tính ưu việt nhất phục vụ con người.

Thế giới đã sử dụng thực phẩm biến đổi gene 15 năm qua và chưa ghi nhận trường hợp nào có tác hại. Ngay cả chúng ta hàng ngày vẫn ăn đủ loại thức ăn đã được biến đổi gene, như nhập thức ăn gia súc từ nhiều nước phát triển có thể được chế biến từ những thực phẩm chuyển gene. Việc nghiên cứu sản xuất các giống cây trồng vật nuôi chuyển gene thực sự là một cơ hội phát triển và là công cụ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế. Nếu chúng ta không sử dụng sẽ không thể đảm bảo an ninh lương thực cho một đất nước 80 triệu dân, mỗi năm lại tăng thêm 1 triệu nhưng diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp.

Thực phẩm biến đổi gene ngày càng phổ biến trong đời sống
Thực phẩm biến đổi gene ngày càng phổ biến trong đời sống

Tại Việt Nam, nghiên cứu công nghệ biến đổi gene đã bắt đầu cách đây 10 năm và đã triển khai được nhiều đề tài cấp Nhà nước về tạo cây trồng biến đổi gene như cây hông, cây bông vải, hoa, khoai, sắn... nhưng tất cả vẫn đang trong quá trình thí nghiệm, chưa ứng dụng ra bên ngoài. Tuy nhiên trong chương trình trọng điểm phát triển quốc gia, công nghệ sinh học trong đó có sản phẩm biến đổi gene được coi là một mục tiêu cần đầu tư, phát triển. Nếu chỉ một lần đến Viện Công nghệ sinh học hoặc Viện Di truyền nông nghiệp, chúng ta dễ dàng bắt gặp những công trình nghiên cứu sản phẩm biến đổi gene đang được các cán bộ ở đây thực hiện.

Nhiều phương pháp chuyển gene khác nhau như phương pháp bắn gene, phương pháp sử dụng vi khuẩn A. tumefaciens… đã được áp dụng thành công trên hàng loạt đối tượng cây trồng quan trọng như lúa, cà chua, cà tím, đậu xanh, cà phê, thuốc lá, khoai lang.  Tại Viện Công nghệ sinh học, các cán bộ của viện đã tiến hành thu thập và phân lập được nhiều nguồn gene quý có giá trị nông nghiệp như gene chịu hạn, lạnh ở lúa, gene mã hóa protein bất hoạt hóa ribosome (RIP) ở cây mướp đắng và gen mã hóa a-amylase của cây đậu cô ve có hoạt tính diệt côn trùng; gene kháng bọ hà khoai lang của vi khuẩn Bt; gene mã hóa protein vỏ của virus gây bệnh đốm vòng ở cây đu đủ… đặc biệt là gene xá kháng bệnh bạc lá do vi khuẩn ở lúa.

Tuy nhiên những cây trồng này mới chỉ tồn tại ở quy mô thí nghiệm và chờ thử nghiệm, bởi hiện nay chúng ta vẫn chưa có quy chế cho việc tiến hành thử nghiệm các cây trồng này trên đồng ruộng. Đồng thời nhân lực trong việc nghiên cứu thực phẩm biến đổi gene vẫn trong tình trạng thiếu trầm trọng. Hàng loạt vấn đề: quy chế, nhân lực, kiểm định an toàn, dán nhãn thực phẩm là những thách thức cần giải quyết. Mặc dù biến đổi gene là xu hướng tất yếu trong tương lai và mang lại lợi ích khổng lồ cho con người nhưng cần thận trọng để không gây ra những tác hại ngoài ý muốn cho sức khỏe người tiêu dùng lẫn môi trường.

Khánh Hòa