Nhiều rào cản với hoạt động thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt

ANTD.VN - Thanh toán các dịch vụ công như nộp thuế, điện, nước, học phí, viện phí... qua ngân hàng sẽ giúp hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thanh toán không tiền mặt vẫn còn nhiều rào cản.

Nhiều lợi ích

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sáng nay 24/8, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho hay, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Đề án 241).

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 70% số tiền điện tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.

Để thực hiện mục tiêu này, NHNN đã nghiên cứu và phối hợp với các Bộ, Ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, Bệnh viện,..), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn hạn chế

Theo TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng sẽ giúp hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách.

Thêm vào đó, việc thanh toán dịch vụ qua ngân hàng giúp tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán, giảm thời gian vốn trôi nổi, thúc đẩy chung chuyển vốn, qua đó góp phần tăng hiệu suất sử dụng vốn cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhưng còn nhiều gian nan

Dù vậy, hiện nay việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết việc chi trả lương hưu, BHXH qua tài khoản ATM cho người hưởng, việc triển khai rất nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM chiếm tỷ trọng thấp so với số người hưởng do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước. Tính đến năm 2017, có khoảng 15%, và đến tháng 2/2018 có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua Tài khoản ATM.

Còn đại diện Bộ Y tế cho biết, hàng năm Bộ này thu khoảng 100.000 tỉ từ viện phí, phí bảo hiểm y tế trong đó dù tiền thanh toán của BHXH được thực hiện qua ngân hàng nhưng lượng tiền viện phí trả bằng tiền mặt là rất lớn.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, việc thanh toán qua ngân hàng rất thuận lợi vì dân không phải đi lại nhiều lần.

Do việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến nên tại một số bệnh viện bộ phận tài chính có khi lên tới 70-80 người. Vì vậy, Bộ Y tế rất muốn giảm số người này xuống và rất đồng tình với Đề án 241 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN thì giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí  dịch vụ công còn hạn chế.

“Sở dĩ có những hạn chế kể trên do cơ chế chính sách và hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và đảm bảo. Bên cạnh đó, là sự thuận tiện của tiền mặt và thói quen của người dân, tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng” – ông Dũng nói.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, ngân hàng không thu được phí dịch vụ thanh toán nên chưa có nhiều động lực để triển khai; một số trường hợp khách hàng còn phải trả phí khi thanh toán qua ngân hàng nên không mặn mà...