Nhiều ngân hàng lại tăng lãi suất, mức cao nhất lên tới 8,6%/năm

ANTD.VN - Từ đầu tháng 8, nhiều ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng lãi suất huy động. Mức lãi suất cao nhất đã chạm ngưỡng 8,6%.

Mới đây, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đã công bố biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất các kỳ hạn trung và dài tăng khá mạnh. Cụ thể, các kỳ hạn 7 tháng trở xuống được ngân hàng này giữ nguyên ở mức 5,4%/năm đối với kỳ hạn 1-5 tháng; 7,4%/năm kỳ hạn 8 tháng; 7,8%/năm với kỳ hạn 7 tháng.

Kỳ hạn 8 - 11 tháng đã được nâng từ mức 7,2 - 7,4% trước đó lên đồng loạt 7,8%/năm. Kỳ hạn 12 – 13 tháng là 8%/năm; 15 tháng là 8,3%/năm; 18 tháng là 8,5%/năm.

Đặc biệt, các mức gửi có kỳ hạn từ 24 tháng trở lên đều tăng lên 8,6%/năm. Đây là mức lãi suất được công bố cao nhất tại các ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại.

Không chỉ Viet Capital Bank, nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy đồng. Trong đó, Ngân hàng cổ phần Techcombank cũng đã điều chỉnh lãi suất ở một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn.

Chẳng hạn, với sản phẩm Tiết kiệm Phát lộc, ngân hàng này đã nâng lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng lên mức 6,7%/năm với khoản tiền gửi 1-3 tỷ đồng và 6,8%/năm với khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng. Trước đó, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất áp dụng cho gói tiết kiệm này chỉ là 6,5%/năm.

Không chỉ ở khối ngân hàng tư nhân mà Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) – một ngân hàng thương mại Nhà nước cũng đã chính thức điều chỉnh biểu lãi suất theo hướng tăng sau một thời gian dài giữ nguyên.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng tăng 0,2%, lên mức 4,3%/năm (tăng 0,2%). Kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,1% lên 5,3%/năm. Kỳ hạn 364 ngày từ 6,6% lên 6,8%/ năm. Kỳ hạn 13 tháng tăng từ 6,7 lên 6,8%/năm.

Một số ngân hàng khác như ACB, HDBank... không điều chỉnh tăng lãi suất nhưng lại áp dụng chương trình cộng lãi suất đối với những khách hàng có số tiền gửi lớn, kỳ hạn dài, các khách hàng VIP...

Lãi suất ở một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng khá mạnh

Theo báo cáo về hoạt động ngân hàng tuần từ 13-17/8, hiện mặt bằng lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,6 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, so với tuần trước, lãi suất bình quân trong tuần có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất một số kỳ hạn chủ chốt như: qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 1,16%/năm; 0,83%/năm và 0,52%/năm lên mức 4,50%/năm; 4,48%/năm và 4,62%/năm...

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng ở một số ngân hàng tăng do một số ngân hàng đã và đang đẩy nhanh nguồn huy động vốn trung hạn là do trong 7 tháng qua. Nguyên nhân do tín dụng đã tăng trưởng nhanh (khoảng 8%) hơn so với huy động vốn (khoảng 6%). Điều này cho thấy, các ngân hàng đang cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, các ngân hàng cần chuẩn bị cho nguồn vốn vào các tháng cuối năm, bởi đây là thời điểm nhu cầu tín dụng, nhu cầu sử dụng vốn tăng cao.

Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06, từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng chỉ được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (thay vì 45% như hiện nay), vì vậy cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.