Nhiều lãnh đạo địa phương thiếu quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh

ANTD.VN - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) trình Chính phủ về việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP, còn nhiều địa phương chưa quan tâm tới công tác này.

Cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư 

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, còn khoảng 10 địa phương báo cáo tình hình thưc hiện Nghị quyết số 19 chung chung, không bám sát Nghị quyết hoặc không đánh giá kết quả thực hiện, các giải pháp triển khai còn mang tính hình thức. Điển hình là các tỉnh: Nghệ An, Bình Phước, Kiên Giang, Đăk Nông, Bạc Liêu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Long...

Đáng chú ý, qua 4 năm triển khai Nghị quyết số 19, song còn một số tỉnh không thực hiện xây dựng Chương trình hành động theo Nghị quyết 19 đã được Chính phủ phê duyệt, đồng thời không có báo cáo việc thực hiện gửi về Bộ KH-ĐT.

"Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm của lãnh đạo địa phương trong việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp"- Bộ KH-ĐT đánh giá. 

Về phía các Bộ, Bộ KH-ĐT nhận được báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của 20 Bộ, ngành. Trong đó, một số Bộ, ngành có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh là: Tài chính, KH-ĐT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT, Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ.

Mặc dù vậy, "mới chỉ có 5 Bộ, ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh. Còn lại, đa số các Bộ, ngành vẫn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Trong số điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, có 1/2 điều kiện thuộc diện sửa đổi"- Báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu. 

Theo đánh giá chung của Bộ KH-ĐT, năm 2017, các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, chú trọng và vào cuộc nhiều hơn trong việc thực hiện Nghị quyết số 19. Tuy nhiên, mức độ thực hiện, các giải pháp và kết quả đạt được còn ít và châm hơn so với yêu cầu của Nghị quyết và mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. 

Do đó, một số chỉ số về Môi trường kinh doanh vẫn nằm cuối bảng xếp hạng (như Khởi sự kinh doanh - thứ 123; Giải quyết phá sản doanh nghiệp – thứ 129). Đáng chú ý là chỉ số Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nhiều năm nay không có cải cách và sự cải thiện nào.

Bên cạnh đó, một trụ cột trong cải thiện môi trường kinh doanh là thể chế kinh tế (ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh) tuy có sự cải thiện, nhưng còn chậm và vẫn còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp.

Bộ KH-ĐT kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần sát sao hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của nhiệm kỳ này, rà soát và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, quý III-2018, các Bộ ngành phải giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% hiện tại xuống còn 15%. 

Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị mở rộng thêm năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistic để hỗ trợ tái cơ cấu, thúc đẩy tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.